Tháng đầu tiên sau khi sinh, em bé khá mỏng manh và yếu ớt nên hầu hết các cử động của bé đều ở dạng phản xạ mà thôi. Phản xạ của trẻ sơ sinh rất đa dạng đấy ba mẹ ạ!
Khi nằm úp bụng xuống, bé có thể tập một số chuyển động của tay và đầu giúp cơ cổ phát triển khỏe mạnh hơn nhưng mẹ cũng cần kiên trì. Một số phản xạ của trẻ sơ sinh mẹ tham khảo nhé:
1. Phản xạ gốc tìm vú mẹ (rooting reflex)
Khi sự kích thích gần miệng làm em bé xoay đầu về phía tác nhân kích thích và mở miệng, giúp cho trẻ sơ sinh tìm thấy núm vú mẹ trong khi bú.
2. Phản xạ mút (sucking reflex)
Đây là phản xạ tự nhiên mang tính sinh tồn từ trước khi bé sinh ra. Khi đi siêu âm trong thời gian mang thai, nếu may mắn bạn có thể nhìn thấy em bé mút ngón tay cái. Sau sinh, cứ động vào đầu ti mẹ hoặc núm vú giả/bình sữa, hoặc ngón tay mẹ là em bé mút liền.
3. Phản xạ khi sợ hãi (Moro reflex)
Khi em bé giật mình, bé thường giơ hai tay hai chân lên và mở rộng lòng bàn tay. Sau đó đưa 2 cánh tay và 2 chân lại gần nhau, một số bé có thể khóc. Phản xạ này có giá trị rất lớn về mặt y khoa vì bác sĩ có thể kiểm tra chuyển động của chân và tay bé sơ sinh có đều giữa 2 bên không.
4. Phản xạ nắm bắt (Palmar Grasp và Plantar grasp reflex)
Phản xạ nắm bàn tay (Palmar Grasp reflex): Khi cha mẹ chạm ngón tay mình vào lòng bàn tay bé, bé sẽ nắm chặt bàn tay.
Phản xạ co quắp ngón chân (Plantar grasp reflex): Tương tự, khi cha mẹ chạm ngón tay mình vào lòng bàn chân bé, bé sẽ co quắp các ngón chân lại.
Mẹ lưu ý: dù bé có nắm chặt đến đâu thì mẹ cũng không nên kéo bé nhổm dậy bằng cách để bé níu tay mẹ vì bé còn đang rất mỏng manh và có thể thả tay ra bất cứ lúc nào.
5. Phản xạ phòng vệ khi bị xoay vùng cổ (tonic neck reflex)
Nếu quay cổ của bé đang nằm ngửa sang hướng bên trái, bạn sẽ quan sát thấy chân và tay của bé ở bên trái sẽ duỗi ra, bên kia cong lại.
6. Phản xạ đứng và tự động bước (walking/stepping)
Mặc dù chưa đủ khỏe để đỡ người đứng lên nhưng khi bàn chân của trẻ tiếp xúc với bề mặt cứng, bé sẽ đưa 1 chân ra trước và cố gắng như bước đi trên bề mặt vậy. Nếu thử phản xạ này, mẹ nhớ giữ dưới nách bé và nâng cổ bé 1 cách cực kì cẩn thận nha.
7. Khi có ánh sáng, bé nhắm chặt mắt lại
Mắt bé sơ sinh vẫn trong giai đoạn hoàn thiện nên phản xạ này giúp bé bảo vệ mắt dưới tác động của ánh sáng. Từ tháng thứ 2 trở đi bé mới tập quen dần với ánh sáng đấy mẹ ạ.
Một số phản xạ của em bé và thời gian biến mất để tham khảo vì một số bé có thể hơi khác so với bảng này.
Các phản xạ | Thời gian mất đi |
Phản xạ khi sợ hãi | 2 tháng |
Phản xạ bước đi | 2 tháng |
Phản xạ gốc | 4 tháng |
Phản xạ cổ | 5-7 tháng |
Phản xạ nắm bàn tay | 5-6 tháng |
Phản xạ co quắp ngón chân | 9-12 tháng |
Xem thêm: Câu chuyện về phản xạ và cử động của bé trong tháng đầu
- Shelov, SP & Altmann TR, (eds) 2009, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 5th edn, Bantam books, USA
- Morris, D, 2008, Baby, Octopus Publishing group limited, London
- Newborn – Reflexes. Tham khảo tại: <http://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=newborn-reflexes-90-P02630>.[Ngày 12 tháng 9 năm 2014]
- 9 Newborn Reflexes. Tham khảo tại: <http://www.parenting.com/gallery/newborn-reflexes?page=0>. [Ngày 12 tháng 9 năm 2014]