Nuôi con

Cách nuôi dạy con tuổi dậy thì

Có cách nuôi dạy con tuổi dậy thì phù hợp là rất quan trọng, vì điều này sẽ giúp trẻ gần gũi với ba mẹ hơn nhưng con vẫn được tự do phát triển bản thân, nhất là khi con đang trong giai đoạn này – lứa tuổi đang dần rời xa vòng tay mẹ.

  • Trưa nay hai mẹ con mình đi ăn món bún đậu mắm tôm ở quán dì Bảy nhé.

Tôi chắc mẩm thế nào con gái cũng đồng ý vì hôm nay là chủ nhật, hai mẹ con đều có thời gian rảnh và đó là quán “ruột” của tôi.

  • Con không đi đâu. Con hẹn với đám bạn đi ăn gà rán sau đó xem phim rồi.

Nói xong con bé vào phòng đóng cửa lại ngay cứ như sợ mẹ xâm phạm đến lãnh địa riêng tư của mình. Phải nói là tôi buồn hết sức. Trước đây hai mẹ con thân thiết đi đâu cũng có nhau từ mua sắm, ăn uống cho tới đi du lịch, thế  nhưng dạo gần đây con bé có vẻ lảng tránh mẹ mà chỉ muốn tụ tập cùng đám bạn.

Cách nuôi dạy con tuổi dậy thì

Trẻ vị thành niên có xu hướng muốn tách rời cha mẹ

Cố nén một tiếng thở dài nhưng sao tôi vẫn thấy tâm trạng nặng nề đeo bám suốt cả buổi chiều hôm ấy. Ai từng trải qua độ tuổi ô mai này thì cũng hiểu rõ tâm tính của trẻ ẩm ương cỡ nào. Tôi cũng nhớ lại mình khi ở tuổi của bé Mai bây giờ, lúc ấy tôi chỉ muốn thoát khỏi vòng tay bao bọc của ba mẹ mà đàn đúm với lũ bạn, lúc nào ở nhà thì cũng muốn né tránh đụng mặt họ và trốn biệt trong phòng. Tự do và quyền riêng tư muôn năm. Nhưng mà tôi cũng hiểu là nhiều khi trẻ vị thành niên có những hành động mà chỉ là muốn tách rời cha mẹ, chứ không hề có ý làm tổn thương cha mẹ.

Mới ban trưa bé Mai từ chối đi ăn cùng mẹ lại còn tỏ ra thái độ lạnh nhạt vậy mà tối về con đã quấn quít bên cạnh đòi thêu tranh chữ thập cùng mẹ. Tôi cười thầm vì biết là con đang ở độ tuổi phải vật lộn giữa những mâu thuẫn của cảm xúc về việc nên ở lại hay đi ra khỏi vòng tay che chở của cha mẹ.

Dù hiểu là con đang trải qua quãng thời gian khó khăn của lứa tuổi vị thành niên nhưng mà sao người làm mẹ như tôi vẫn thấy khó chấp nhận sự thật này quá. Lúc bé thì con muốn gần gũi và đón nhận sự chăm sóc của mẹ, nhưng càng lớn thì chúng lại tỏ ra khó chịu nếu được quan tâm nhiều. Hầu hết trẻ ở giai đoạn đầu đến giữa tuổi vị thành niên (khoảng từ 12-18 tuổi) đều xảy ra tình trạng như bé Mai, muốn được tự đứng trên đôi chân của chính mình. Trong độ tuổi này, một số trẻ vẫn còn nhìn thế giới qua một mặt của lăng kính và trẻ khó tiết chế bản thân, điều này dẫn đến việc trẻ đẩy cha mẹ ra xa quá mức cần thiết.

Vậy người mẹ như tôi nên làm gì trước tình cảnh con ngày càng rời xa vòng tay bảo bọc của gia đình? Sau bao đêm suy nghĩ, cuối cùng tôi cũng tìm ra được cách nuôi dạy con tuổi dậy thì phù hơp – giải pháp để hai mẹ con có thể gần gũi như ngày nào nhưng con vẫn được tự do phát triển bản thân.

Chủ động tạo điều kiện gần gũi con

Thay vì ngồi chờ đợi những khoảnh khắc hoàn hảo mà có thể không bao giờ xảy ra để trò chuyện với con thì tôi tự tạo ra những cơ hội để được gần gũi con. Cả hai mẹ con đều có những công việc riêng cần phải làm như đi làm, đi học, thời gian cho bạn bè, các hoạt động cộng đồng hay thời gian dành cho các thành viên khác trong gia đình… vì vậy việc tìm ra thời gian rảnh cho cả hai là hơi khó . Tuy nhiên, tôi biết được sở thích của con là nấu ăn, đọc sách, thêu tranh, học làm gốm. Vì thế mà tôi tranh thủ những lúc nấu ăn trò chuyện cùng con, cùng bàn luận về một tác phẩm mà hai mẹ con đã đọc hoặc tham gia lớp học làm gốm rồi đem sản phẩm của hai mẹ con về nhà trưng bày…Nhờ những việc này mà hai mẹ con đã dần dần lấy lại được tình cảm thân thiết như ngày xưa.

Cách nuôi dạy con tuổi dậy thì hình ảnh 2

cách nuôi dạy con tuổi dậy thì phù hợp khi con dần rời xa vòng tay mẹ

Biết được con thích gì và có sự tìm hiểu về các chủ đề con thích cũng giúp các bậc cha mẹ như tôi có nhiều cách bắt chuyện và thảo luận với con hơn.

Đừng phớt lờ khi con chủ động gần gũi cha mẹ

Dù có đang bận rộn đến cỡ nào đi nữa nhưng khi con chủ động bắt chuyện, dù đó là vấn đề gì, tôi đều dành một chút thời gian để con chia sẻ câu chuyện. Việc làm này giúp trẻ thấy rằng trẻ được lắng nghe, được quan tâm và cũng tạo điều kiện cho hai mẹ con gần gũi nhau hơn.

Để con tự đưa ra quan điểm cá nhân

Khi cả hai cùng tham gia một hoạt động, tôi để con tự đưa ra ý kiến, vì cách này sẽ giúp con thêm tự tin và có quan điểm của riêng mình. Chẳng hạn như hôm nọ, hai mẹ con cùng làm bánh sinh nhật cho ba, tôi chỉ đảm nhận vai trò người phụ bếp còn làm bánh và trang trí bánh là phần của bé Mai. Bé Mai rất vui khi được ba khen làm bánh vừa ngon lại vừa đẹp, còn bản thân tôi thì lấy làm tự hào trước sự trưởng thành của con gái yêu.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Communicating with your teen spending time together. Đọc thêm tại: <http://www.aces.edu/pubs/docs/H/HE-0782/HE-0782.pdf>. [Ngày 29 tháng 12 năm 2014]
  2. We shall spend less time with our families. Donald E. Greydanus, MD., F.A.A.P., Editor-in-chief and philip Bashe, (eds) 2003, Caring for your teenager, Bantam books, USA
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com