Nuôi con

Cho trẻ ăn dặm: 7 sai lầm tai hại mẹ dễ mắc phải

Cho trẻ ăn dặm đúng cách sẽ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh. Nhưng đôi khi, mẹ cũng phạm phải những sai lầm khiến trẻ tuy mập nhưng lại bị thiếu chất hoặc dễ mắc bệnh hơn những đứa trẻ khác.

Tưởng lợi mà thêm hại!

Mọi người thường trêu ku Bin là lăn nhanh hơn đi. Mà quả có thế thật. Cái tướng của Bin rất chi là ục ịch.

Bin mập ú ù, tròn quay, và dư cân. Nhưng Bin lại chẳng khỏe hơn các bạn cùng lứa tí nào cả! Thậm chí, cu cậu còn bị liệt vào nhóm trẻ bị thiếu nhiều vi chất cần được bổ sung cơ đấy!

Người ta thường bảo: “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra.” Tại sao Bin được ăn rất nhiều món ngon, mẹ Bin đầu tư bao nhiêu là tiền của, thời gian, công sức cho chất lượng bữa ăn của tớ, thế mà Bin lại không khỏe mạnh được như các bạn khác nhỉ?

nhung-luu-y-khi-cho-tre-an-dam-p1-hinh-anh1

Mẹ phải cho trẻ ăn dặm đúng cách thì mới giúp con phát triển khỏe mạnh được.

Hóa ra chỉ vì thiếu kiến thức về dinh dưỡng, mà mẹ Bin đã có những sai lầm tai hại trong chế biến thức ăn khiến Bin tuy mập nhưng bị thiếu chất, chậm phát triển và ảnh hưởng đến sức khỏe.

Hãy cùng kiểm tra xem mẹ có mắc những lỗi này khi chế biến thức ăn dặm cho con như mẹ ku Bin hay không nha:

Sai lầm thứ 1: Không cho bé ăn chất béo

Mẹ cứ nghĩ bé béo ú rồi thì phải hạn chế chất béo. Thế là mẹ cắt giảm triệt để thành phần dầu, mỡ có trong các món ăn của bé. Nhưng thật ra chất béo lại là dung môi quan trọng để hòa tan các vitamin A, D, E, K. Vì không ăn chất béo nên lượng vitamin đi vào rồi cứ thế một mạch đi ra. Cơ thể chẳng hấp thụ được bao nhiêu!

Bởi thiếu vitamin A, D, E, K mà bé gặp phải những vấn đề về mắt và xương. Chưa kể là các thứ chất béo từ thực vật và dầu cá chứa Omega-3 và Omega-6 là những axit béo rất tốt cho tim mạch của bé đấy!

Bởi thế, khi cho bé ăn dặm thì mẹ cần bổ sung chất béo vào khẩu phần ăn, nhất là khi trẻ ăn cùng với những món chứa các loại vitamin như A, D, E, K nhé!
Và thêm dầu ăn vào thức ăn cũng cần đúng thời điểm, đó là khi mẹ bắc đồ ăn ra khỏi bếp nấu. Như thế sẽ tốt hơn cho sức khỏe của bé vì dầu ăn có chứa Omega 3 chưa bị biến chất bởi tác động của nhiệt độ cao.

nhung-luu-y-khi-cho-tre-an-dam-p1-hinh-anh2Mẹ nhớ thêm dầu ăn cho trẻ ăn dặm vào đồ ăn cho con nha!

Sai lầm thứ 2: Chỉ cần nước hầm xương là đủ

Bé lười nhai và mẹ nuông chiều cái tính xấu này của bé. Mẹ nghĩ chỉ cần dùng phần nước hầm từ xương và thịt cho bé ăn cũng đủ chất dinh dưỡng rồi.Nhưng điều đó hoàn toàn không đúng! Dù mẹ có hầm kĩ xương, thịt cỡ nào thì các chất dinh dưỡng cũng không thể tan hết hoàn toàn vào nước.

Do đó, để bé có thể nhận được đủ các chất dinh dưỡng, bé phải ăn cả phần cái lẫn nước cơ.

Chính vì vậy, lúc nấu thức ăn cho trẻ ăn dặm, mẹ nên băm nhuyễn hoặc cắt nhỏ phần thịt cho bé ăn. Bé sẽ khỏe mạnh hơn đấy!

Sai lầm thứ 3: Đi chợ 1 lần, trữ cho cả tháng

Vì không có nhiều thời gian, mẹ thường đi chợ mua thật nhiều rau củ, rửa sạch và để trong tủ lạnh lâu ơi là lâu trước khi nấu cho bé ăn. Việc này là hoàn toàn không nên vì rau củ để lâu đã bị mất đi một lượng dinh dưỡng đáng kể đấy.

Tốt hơn hết là mẹ nên mua rau củ 1-2 ngày 1 lần và nấu hết thì lại mua tiếp, như thế bé sẽ được ăn thức ăn tươi mới liên tục.

nhung-luu-y-khi-cho-tre-an-dam-p1-hinh-anh3

Mẹ chỉ nên mua rau củ cho bé ăn dặm 1 – 2 ngày/ lần thôi nhé!

Sai lầm thứ 4: Chế biến rau củ quá kĩ

Mẹ thường sợ rau củ hiện nay chứa nhiều thuốc bảo vệ thực vật nên lúc nào mẹ cũng ninh/ hầm kĩ ơi là kĩ các rau củ quả trước khi xay để nấu cho bé. Mẹ không biết rằng làm như thế khiến cho các vitamin trong rau củ thất thoát đi nhiều lắm.

Cách tốt nhất để vừa giữ được vitamin vừa đảm bảo an toàn đó là lựa chọn thực phẩm sạch từ khâu sản xuất để mua, trước khi chế biến thì rửa thật nhiều lần và ngâm với nước muối nhạt.

Những thứ thực phẩm dùng cho trẻ em thì phải sạch gấp 10 lần người lớn ! Vì khả năng kháng khuẩn của trẻ nhỏ yếu hơn người trưởng thành rất nhiều. Mẹ cần lưu ý thêm là không nên cắt nhỏ rau trước khi rửa, vì sẽ làm vitamin thất thoát qua nước.

Sai lầm thứ 5: Sử dụng dụng cụ nấu ăn không đúng cách

Việc chuẩn bị vật dụng khi chế biến thức ăn cho trẻ ăn dặm cũng rất quan trọng.

Đối với thớt: Mẹ nên sử dụng thớt riêng cho thực phẩm sống nướng như thịt, cá . Rau củ quả mẹ hay cắt ngay trong rổ rửa rau trước khi nấu và hạn chế dùng thớt. Còn các loại rau quả ăn ngay không cần nấu nướng và bánh mì thì mẹ dùng một cái thớt riêng hoặc bổ ngay trong đĩa bày sẵn sẽ hay hơn là chỉ dùng 1 thớt cho mọi loại thức ăn.

Đối với xoong nồi: Xoong nồi để nấu thức ăn cho bé và cả nhà mẹ cũng đừng chọn loại bằng đồng hoặc sành sứ có chứa chì, chúng có thể gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của bé đấy, nhất là khi nấu thức ăn có vị chua như chanh, cà chua hoặc dấm.

Tốt nhất mẹ nên nấu trong nồi nhôm có lớp mạ bọc, nồi bằng sắt mạ không chứa chì hoặc nồi inox. Với nồi có tráng Teflon mẹ cũng không để nhiệt độ quá cao để nồi nóng lên rất nhanh gây cháy thức ăn và tạo đầy khói quanh bếp.

Đối với chén (bát), muỗng: Bé cần có bộ chén, dĩa, muỗng riêng và không dùng chung với người lớn. Khi rửa cho bé, mẹ nên dùng ít nước rửa chén, sau đó tráng kỹ với nước nóng để mùi và các hóa chất trôi đi. Nếu có điều kiện, mẹ nên phơi chén bé ngoài nắng để vi khuẩn được triệt tiêu.

nhung-luu-y-khi-cho-tre-an-dam-p2-hinh-anh2

Mẹ nên dùng thớt riêng cho thịt cá và rau củ để chế biến thức ăn cho trẻ ăn dặm đúng cách nha!

Sai lầm thứ 6: Nêm quá nhiều gia vị vào thức ăn

Mẹ có bao giờ thắc mắc sao mẹ nêm vừa miệng ăn vậy mà bé cứ hay nhè ra? Mẹ biết không vị giác của trẻ nhỏ nhạy hơn người lớn rất nhiều lần. Vì vậy, khi nêm gia vị cho thức ăn dặm, mẹ cần nêm nhạt hơn so với khẩu vị của mẹ một chút.

Nếu mẹ nêm vừa miệng mẹ, thì lại quá mặn hay quá ngọt so với bé rồi! Trước khi được 2 tuổi, tốt nhất là không nên cho bé ăn thức ăn có thêm muối và đường vì việc ăn quá nhiều muối rất không tốt cho sức khỏe!

Vậy nên các mẹ cần chú ý hơn khi nêm gia vị vào thức ăn cho trẻ ăn dặm nhé!

Sai lầm thứ 7: Kéo dài thời kì ăn thức ăn nghiền quá lâu

Mẹ có lẽ đánh giá quá thấp khả năng của bé nên cho bé ăn đồ ăn nghiền quá lâu. Trong khi qua 8 tháng tuổi là bé đã có thể ăn các thứ thức ăn cứng hơn và bé cũng biết nhai rồi!

Mẹ hãy cho bé có cơ hội chứng tỏ bản thân nha. Cho bé ăn thức ăn thô đúng lúc cũng là cách để bé phát triển hàm và khả năng nhai cũng như giữ được dưỡng chất trong thức ăn không qua quá trình nghiền, xát đấy mẹ ạ!




  1. General mistakes when feeding children vegetanbles. Tham khảo tại <http://womenworld.org/family/general-mistakes-when-feeding-children-vegetables.aspx>. [Ngày 28 tháng 10 năm 2014]
  2. Top 10 feeding mistakes parents make. Tham khảo tại: <http://www.100daysofrealfood.com/2013/07/08/top-10-feeding-mistakes-parents-make/>. [Ngày 28 tháng 10 năm 2014].
  3. Nguyen, T. C. , Omega -3 và Omega – 6. Tham khảo tại: <http://www.advite.com/omega.htm>. [Ngày 24 tháng 9 năm 2014]
  4. Cooking utensils and nutrition. Tham khảo tại: <http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/002461.htm>.
  5. Vitamins. Tham khảo tại: <http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/002399.htm>.
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com