Nuôi con

Đọc sách cùng con

Đọc sách cùng con giúp con sớm tiếp xúc với sách, hình thành thói quen đọc sách, phát triển tốt kĩ năng ngôn ngữ và tính cách độc lập trong học tập sau này.

Chủ nhật, mẹ dẫn Hugo đi nhà sách. Hugo thích lắm, cứ chạy lăng xăng hết dãy sách này đến dãy sách khác, vừa chạy vừa cười tít mắt. Mẹ phải nắm tay Hugo, dắt đến khu vực sách dành cho bé dưới 5 tuổi. Nhìn thấy những quyển sách đầy sắc màu và những hình vẽ đẹp mắt, gương mặt Hugo sáng rỡ.

Doc sach cung con hinh anh 1

Mẹ dẫn Hugo đi nhà sách

Mẹ mỉm cười rồi để Hugo tự chọn sách. Một chốc sau đã thấy Hugo ôm đầy cả 2 tay. Ở nhà mẹ hay đọc cho Hugo nghe những câu chuyện về chú khỉ Bubu và những quyển sách về các vật dụng xung quanh nên khi vào nhà sách Hugo cũng chọn những quyển giống y như vậy. Nhưng Hugo giỏi lắm nhé, Hugo nhớ rõ quyển nào ở nhà đã có rồi và chọn những quyển chưa có nữa kìa.
Khi mẹ xem kĩ những quyển sách Hugo đã chọn thì phát hiện có một cuốn khá bạo lực và không phù hợp với tuổi của Hugo không biết ai đó đã để nhầm.  Thế là mẹ ôm Hugo vào lòng và hỏi:
-Vì sao con lại chọn cuốn sách này?
Hugo nhìn quyển sách rồi chỉ cho mẹ chiếc xe màu xanh lá ở bìa, trông giống như xe đồ chơi của Hugo ở nhà.
-À, mẹ hiểu rồi, con thích vì có hình chiếc xe màu xanh này phải không? Vậy mẹ chọn cho Hugo một cuốn khác có xe màu xanh đẹp hơn nhé?
Hugo gật đầu, cười tít mắt rồi ôm mớ “kho báu” trong tay chạy tung tăng đến quầy thu ngân. Với cậu chàng, một ngày cuối tuần được đi nhà sách cùng mẹ, mua được bao nhiêu là sách hay, về nhà còn được mẹ đọc sách cho nghe, quả thật là một ngày kì diệu
Các nghiên cứu cho thấy rằng, có rất nhiều lợi ích khi ba mẹ đọc sách cùng con hay để cho con đọc chung với các bé khác ngay cả trước khi con có thể đọc được các chữ cái hay lật một trang sách. Bé càng sớm tiếp xúc với sách càng phát triển tốt kĩ năng ngôn ngữ tự nhiên lẫn tính cách độc lập trong học tập sau này. Vì vậy, việc tập cho bé làm quen với những cuốn sách cho bé đầy màu sắc và các hình ảnh sinh động không bao giờ là quá sớm cả.

Doc sach cung con hinh anh 2

Tập cho con làm quen với sách

Chọn sách

Đọc sách cùng con là một cơ hội tốt để gần gũi bé. Có rất nhiều sách dành cho trẻ em. Nếu bạn cảm thấy khó chọn lựa thì bạn có thể dành thời gian đọc sơ trước khi mua để chọn được những quyển sách thật sự phù hợp với bé.
Khi bé lớn hơn một chút, bạn có thể tạo cho bé thói quen chọn sách một cách có ý thức. Vì nếu chúng ta cứ chủ động chọn sách cho bé thì sẽ không bao giờ biết được bé thật sự thích loại sách nào, hơn nữa, việc làm này cũng hạn chế ít nhiều niềm yêu thích của trẻ con đối với sách. Nhưng đồng thời, giữa một rừng sách mênh mông với nhiều thể loại lẫn tạp, nếu không có định hướng, trẻ dễ bị lạc vào thế giới của những quyển sách có nội dung xấu hay sai lệch. Tốt nhất, bạn hãy cho bé tự chọn những quyển sách bé yêu thích sau đó lắng nghe, thảo luận cùng bé về những quyển bé đã chọn và lọc lại lần cuối cùng.
Sách không chỉ mở ra thế giới bên ngoài đầy những điều thú vị, mới mẻ cho bé, mà qua đó, những bậc phụ huynh còn có thể nhìn thấy được những nét tính cách đặc biệt của con mình mà thường ngày bé ít khi bộc lộ.

Ba mẹ nên làm gì?

Các chuyên gia tin rằng trẻ nhỏ khi nhìn thấy mọi người xung quanh yêu thích đọc sách, báo hay tạp chí có khả năng tự học đọc nhanh hơn những trẻ khác. Vậy thì ba mẹ còn ngần ngại gì mà không tạo ra thời gian vui vẻ cho gia đình bằng cách đọc sách cùng con!

  1. Mẹ bắt đầu đọc sách cho con càng sớm càng tốt. Nếu các mẹ đọc thật to cho bé nghe một số câu chuyện trong sách ở những tháng cuối mang thai lặp đi lặp lại, bé còn có thể nhận ra được câu chuyện đó khi được nghe lại sau khi chào đời đấy. Lúc này, bé sẽ im lặng và chăm chú nghe hơn những câu chuyện khác.
  2. Chọn đọc một quyển sách hay vào khoảng thời gian thích hợp khi bé không mệt hoặc đói. Ngồi tư thế thoải mái hoặc cho bé ngồi trong lòng bạn, như vậy bé có thể nhìn rõ và chạm vào những trang sách.

Doc sach cung con hinh anh 3

Mẹ đọc sách cùng con

 

  1. Gọi tên những đồ vật/con vật/màu sắc/ hình dạng trong mỗi trang sách hay đếm và chỉ vào hình ảnh khi bạn đọc.
  2. Bài học của bé chỉ nên được bắt đầu khi bé có thể tiếp nhận, và nên dừng lại trước khi bé mất đi sự hứng thú. Đừng cố gắng đọc quá nhiều trang. Nếu bé muốn gấp sách lại và..gặm sách hay bé quay đi thì có nghĩa là bé không muốn tiếp tục đọc nữa.
  3. Nói về những bức tranh trong sách bằng cách mô tả và lặp đi lặp lại nhiều lần cho bé nhớ. Ví dụ như “chiếc xe hơi màu đỏ”, “quả bóng màu xanh”. Nếu có nhiều thời gian hơn, ba mẹ hãy giải thích cho bé hiểu công dụng của đồ vật hoặc đặt trong những ngữ cảnh cụ thể thì bé sẽ nhớ rất lâu. Ví dụ “ chiếc xe màu xanh này chạy brừm brừm này, con ra đường có thấy xe chạy không?”
  4.  Nếu ba mẹ thường xuyên vắng nhà, có thể đọc các mẩu truyện trong sách và ghi âm luôn. Khi ba mẹ đi vắng, cô trông trẻ hoặc ông bà có thể phát phần ghi âm ba mẹ đọc sách cho bé nghe. Bé rất thích được nghe giọng nói của ba mẹ, kể cả khi ba mẹ vắng nhà đấy!

Lặp đi lặp lại…

Doc sach cung con hinh anh 4

Bé sẽ tự chuyển sang quyển sách khác nếu đã chán quyển cũ

Thẳng thắn mà nói, việc xem một bức tranh, một cuốn sách từ ngày này sang ngày khác đến bạn cũng sẽ thấy rất chán. Bé cũng vậy thôi. Tuy nhiên, bé sẽ thích nghe một cuốn sách, một bài hát hay một giai điệu quen thuộc lặp lại nhiều lần hơn người lớn. Bé sẽ cảm thấy an tâm rằng mọi thứ trong sách sẽ không có gì thay đổi. Cuối cùng, khi bé đã chán một quyển sách quá quen thuộc nào đó, bé sẽ tự động chuyển sang một quyển khác.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Young, C., 2007, Entertaining and educating babies and todders, Usborne Publisher, England
  2. http://www.brillkids.com.vn/teach-reading/why-teach-your-baby.php [Ngày 10 tháng 3 năm 2015]
  3. http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/chon-sach-cho-con-3130170.html [Ngày 11 tháng 3 năm 2015]
  4. Shelov, SP & Altmann TR, (eds) 2014, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 6th edn, Bantam books, USA
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com