Nuôi con

Gia đình có con chung con riêng và tác động đối với trẻ

Cuộc sống gia đình có con chung con riêng vốn không dễ thở xíu nào mà còn tiềm ẩn những đợt “sóng ngầm” nếu bạn không tinh ý và đối xử công bằng giữa các con. Hãy để ý những cảm nhận và suy nghĩ của con để có cách ứng xử phù hợp, dành thời gian quan tâm để giúp con thích nghi với cuộc sống mới.

Dưới đây là một số cảm nhận cũng như suy nghĩ của trẻ trong gia đình có con chung con riêng mà cha mẹ nên biết:

Con chung con riêng và sự đảo lộn của cuộc sống gia đình

  • Cha mẹ có thể nghĩ: Hai vợ chồng mình hạnh phúc, vì vậy nên con chúng mình cũng sẽ hạnh phúc thôi. Chúng mình sẽ cố gắng làm cha mẹ thật tốt.
  • Trẻ có thể nghĩ rằng: Mình mừng cho mẹ – mặc dù không ai quan tâm đến ý kiến của mình cả, giống như việc mình không có một sự lựa chọn nào khi bố mẹ chia tay nhau.

Theo Hiệp hội Tâm lý học Mỹ, việc chuyển từ gia đình đơn thân sang gia đình hỗn hợp (gia đình có con chung con riêng) là việc khó khăn nhất cho trẻ ở độ tuổi từ 10 đến 14.

Những trẻ vị thành niên lớn tuổi hơn đang trong quá trình tách khỏi gia đình và xây dựng các mối quan hệ ngoài xã hội nên ít bị tác động về cảm xúc từ cuộc sống gia đình và do đó có thể điều chỉnh cảm xúc dễ dàng hơn.

Nhưng đối với trẻ đang ở giai đoạn đầu của tuổi vị thành niên, khi mà trẻ bắt đầu định hình cá tính, bản sắc của mình thì những điều này được hiện thực một phần bằng việc làm ngược lại với những người xung quanh.

Khi cha mẹ đi thêm bước nữa thì mọi chuyện thay đổi nhanh chóng: không khí gia đình thay đổi, thậm chí là nơi ở mới, trường học mới… Nếu hai vợ chồng đều có con riêng thì vị thế của các con có thể thay đổi, đứa con cả trong gia đình cũ có thể là con giữa trong gia đình mới. Do đó, chuyện gia đình sẽ phức tạp hơn bạn nghĩ.

Gia đình có con chung con riêng và tác động đối với trẻ P1

Chuyện con chung con riêng

Không chỉ đánh mất vai trò là người con lớn và những đặc quyền đi kèm, trẻ có thể đối mặt với việc phải thay đổi cá tính, bản sắc của mình. Cá tính, bản sắc – những nét riêng của bản thân rất quan trọng với trẻ, nhất là khi gia đình có những thay đổi lớn.

Khi cha mẹ đi bước nữa, trẻ sẽ cảm thấy mất mát và mất định hướng, giống như một người đi thuyền giữa đêm tối. Tệ hơn nữa, trẻ có thể nhận thấy cuộc đời mình bị đảo lộn nhưng bản thân lại không thể lên tiếng.

Bạn cần cố gắng tiếp tục giữ nguyên nếp sống thường ngày: Không khí gia đình thay đổi nhiều nên bạn cần cố gắng giữ những thói quen cũng như những nghi lễ của gia đình lâu dài.

Khi người bạn đời mới vào sống trong nhà của bạn, hãy để người ấy và con riêng của họ sống theo nếp sống cũ và không cố gắng áp đặt lối sống của mình vào lối sống người ấy ngay lập tức.

Trong tình huống ngược lại, khi bạn và con mình vào sống trong ngôi nhà của người bạn đời mới, bạn có thể bổ sung một vài thói quen ưa thích của gia đình bạn. Dĩ nhiên bạn cũng có thể tạo ra những thói quen mới. Mỗi người cần linh động và sẵn sàng chấp nhận những thói quen và phong cách riêng của các thành viên khác.

Cuộc sống gia đình khi con chung con riêng ở chung một nhà chẳng hề dễ thở xíu nào, do sự đối xử không công bằng giữa cha dượng, mẹ kế với con trong nhà.

Không nhận được chú ý từ cha/ mẹ ruột như trước kia

  • Cha mẹ có thể nghĩ: Thật là tuyệt khi sống chung với một người tốt luôn yêu thương mình và có một gia đình hoàn thiện lần nữa.
  • Con bạn có thể nghĩ: Mình thích mẹ kế nhưng mình không có thời gian riêng tư với bố. Đôi khi, mình có cảm giác như là người ngoài cuộc vậy.

Gia đình có con chung con riêng và tác động đối với trẻ P2

Đừng quá chăm chú về hạnh phúc mới mà quên nghĩ về đứa con

Khi ly thân hoặc ly dị, hầu hết các trẻ đều sống với mẹ trung bình 5 năm trước khi mẹ tái hôn. Do đó, từ việc nhận được sự quan tâm chăm sóc một cách trọn vẹn từ cha mẹ ruột thì nay trẻ phải chia sẻ sự quan tâm chăm sóc đó với một người mới, có thể là con riêng của cha mẹ kế. Điều này thật sự rất khó khăn với trẻ.

Vậy cha mẹ cần làm gì? Trong trường hợp này, cha mẹ cần dành thời gian riêng bên con ruột mỗi ngày hoặc tương đương như vậy, để trẻ yên tâm rằng mặc dù bạn có thể ít quan tâm con hơn so với trước kia nhưng tình cảm giữa bạn và con không bao giờ thay đổi.

Trẻ chưa thích nghi được với cuộc sống gia đình mới

  • Cha mẹ có thể nghĩ: Giờ mình đã tái hôn và chuyển đến thành phố mới, chúng ta có thể bắt đầu lại từ đầu và quên đi quá khứ.
  • Trẻ có thể nghĩ rằng: Mình nhớ các bạn hàng xóm cũ của mình. Nhưng hơn hết là mình nhớ bố. Mình ước gì bố sống gần đây.

Cho dù bạn có thể cho rằng cuộc sống gia đình trước kia không hạnh phúc nhưng trẻ vẫn cảm thấy nuối tiếc. Hãy nhớ rằng trước khi bạn tái hôn, trẻ vẫn nuôi hy vọng rằng một ngày nào đó, bố mẹ ruột của mình sẽ tái hợp. Nhưng giờ đây, giấc mơ đó đã tan vỡ khiến trẻ lại trải qua cảm giác mất mát một lần nữa.

Vậy cha mẹ cần làm gì? Dưới đây là một số điều cha mẹ cần lưu ý để giúp trẻ thích nghi với cuộc sống gia đình mới:

Đừng hiểu lầm những tình cảm của con với cha mẹ ruột là một dấu hiệu của sự không tôn trọng cha mẹ kế. Nếu cha mẹ kế cảm thấy bị đe dọa vì con trẻ quá thân thiết với cha mẹ ruột hoặc cảm thấy không bằng lòng bất cứ khi nào con hồi tưởng lại quá khứ, thì cần xem lại những mong đợi của mình.

Trước khi sống với cha mẹ kế, trẻ đã từng có một cuộc sống gia đình ấm êm, hạnh phúc với biết bao kỉ niệm đẹp. Cho nên, việc mong đợi rằng trẻ sẽ giả vờ như chưa từng có những kỉ niệm đó là điều không công bằng, không thực tế và không lành mạnh. Đừng bao giờ phủ nhận cảm xúc của trẻ, trừ phi bạn muốn chúng sống những năm tháng đầy oán hận.

Gia đình có con chung con riêng và tác động đối với trẻ P2 hình ảnh 2

Trẻ trong gia đình con chung con riêng cần sự thừa nhận về cảm xúc từ người lớn.

Hãy kiên nhẫn: Giống như việc tái hôn, bạn cần thời gian để hai người có tình cảm với nhau. Mọi chuyện cũng tương tự đối với chuyện của con cái với bố mẹ kế. Nếu bạn quá vội vàng trong việc lấy thiện cảm với con riêng của người bạn đời thì có thể sẽ phản tác dụng, khi đó bạn sẽ mất nhiều thời gian để mọi chuyện trở lại bình thường.

Không bao giờ bắt buộc trẻ gọi cha mẹ kế là “bố” hay “mẹ”: Khi cha mẹ tái hôn, trẻ có thể xưng hô với cha mẹ kế bằng những từ ngữ thân mật. Vai trò của cha mẹ kế trong gia đình có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như độ tuổi của trẻ và mối quan hệ của trẻ với người cha, người mẹ ruột mà trẻ không sống cùng.

Một yếu tố khác nữa là việc cha mẹ kế tự nhìn nhận vai trò của mình trong gia đình. Cha mẹ kế cần chấp nhận rằng có thể trẻ sẽ không bao giờ nhìn nhận mình như là một người cha hay một người mẹ. Nhưng trẻ có thể xem bạn như người cố vấn có ảnh hưởng và như bạn bè – để hướng dẫn trẻ và cho trẻ lời khuyên. Đôi khi, trẻ có thể tự hào về cha mẹ kế hơn là cha mẹ ruột của mình.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com