Việc giấu giếm chuyện hẹn hò sau ly hôn và người yêu mới với con cái là một điều sai lầm. Nếu xác định được đó là mối quan hệ nghiêm túc thì bạn nên giới thiệu để trẻ làm quen, trò chuyện, và sắp xếp bữa gặp mặt khi cả 2 đã sẵn sàng.
Cả cha mẹ và con cái đều cần thời gian để chấp nhận một mối quan hệ mới sau ly hôn. Do đó, khi cha/ mẹ nói với trẻ về chuyện hẹn hò sau ly hôn của mình thì việc trẻ có cảm xúc lẫn lộn trong giai đoạn này là điều bình thường thôi. Nên nhớ rằng, bạn hiện là tấm gương cho trẻ noi theo. Vì thế, hãy cẩn trọng và xác định rõ ý định của mình một khi bạn quyết định hẹn hò nhé.
Trò chuyện cởi mở, phù hợp với lứa tuổi của trẻ về chuyện hẹn hò của bạn có thể giúp trẻ giải tỏa được những mối lo lắng về các mối quan hệ mới này. Bạn có thể trao đổi với trẻ về suy nghĩ, cảm giác của trẻ. Hãy lắng nghe, thấu hiểu nỗi lo lắng đó và giải thích cho trẻ về quyết định hẹn hò sau ly hôn của mình.
Bên cạnh đó, bạn không nên để trẻ hiểu nhầm là trẻ có quyền quyết định trong chuyện hẹn hò của bạn. Tốt nhất không nên hẹn hò trước mặt trẻ cho đến khi bạn cảm thấy an tâm rằng trẻ sẽ không cảm thấy lo lắng hoặc khó chịu khi thường xuyên gặp gỡ người mà cha/ mẹ đang hẹn hò.
Nếu có thể, bạn hãy hẹn hò vào những ngày mà trẻ có lịch ở cùng với phía cha/ mẹ bên kia. Bạn cũng nên cân nhắc chọn lựa thời điểm cho trẻ gặp gỡ người bạn đang hẹn hò nhé.
Một số mẹo giúp trẻ thích nghi với chuyện hẹn hò sau ly hôn của cha/ mẹ
Bạn không cần phải giới thiệu trẻ với tất cả những người bạn hẹn hò – chỉ cần giới thiệu với những người bạn xác định có mối quan hệ nghiêm túc với họ. Mặc dù trẻ có thể tò mò về chuyện hẹn hò của bạn, cũng như người mà bạn đang hẹn hò. Trẻ có thể muốn bạn phải kết hôn với người đó ngay lập tức với hy vọng sẽ có gia đình mới.
Hãy giải thích cho trẻ sự khác nhau giữa việc hẹn hò, bồi đắp mối quan hệ, đính hôn và kết hôn. Trẻ nên hiểu rằng không phải cứ hẹn hò là sẽ đi đến hôn nhân.
Tương tự như thế, hãy thảo luận với người bạn đang hẹn hò về thời điểm tốt nhất để gặp trẻ. Đừng gây áp lực cho người bạn đang hẹn hò. Không nên để họ gặp nhau khi trẻ chưa sẵn sàng cho cuộc gặp mặt.
Chuẩn bị cho cả người bạn đang hẹn hò và trẻ trước buổi gặp mặt đầu tiên. Kể cho con nghe về người đó. Hãy giải thích cho trẻ hiểu vì sao bạn thích người đó (Vì thông minh? Vui tính? Hay có công việc tốt?).
Sau đó hãy nói với trẻ những câu như “Mẹ nghĩ con sẽ thích chú ấy. Con có muốn chú ấy đến nhà ăn tối không, hay con muốn cả ba người chúng ta đi ăn tối ở bên ngoài?” Cho trẻ biết bạn muốn trẻ tham gia vào việc chuẩn bị cho lần gặp đầu tiên.
Cũng như vậy, hãy kể cho người bạn đang hẹn hò biết về trẻ. Mô tả trẻ thích làm gì, thích chơi môn thể thao nào, sở thích của trẻ, trẻ thích những gì ở trường học và các thông tin khác mà bạn nghĩ là có thể giúp người đó tiếp cận trẻ.
Đừng quá hy vọng vào cuộc gặp mặt đầu tiên. Chuyện hẹn hò sau ly hôn có thể khiến bạn lo lắng trong buổi gặp mặt đầu tiên giữa người ấy và trẻ. Nhưng mục tiêu của buổi gặp mặt này là để chào hỏi nhau, chứ không nhất thiết phải làm cho cả hai cảm thấy thích nhau trong lần gặp đầu này.
Đừng nóng vội, cả hai sẽ tự phát triển mối quan hệ của mình theo thời gian. Không khuyến khích người bạn đang hẹn hò cố gắng gây ấn tượng với trẻ, hoặc cố tìm cách gần gũi với trẻ quá nhanh nhé.
Giúp trẻ xóa tan mối lo âu. Đôi khi trẻ em sẽ cảm thấy tình yêu mới của cha/ mẹ là nguyên nhân khiến cha và mẹ sẽ không tái hợp. Khi người đàn ông/ phụ nữ này thật sự trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời bạn để bạn giới thiệu người đó với trẻ, bạn cần phải đối mặt với những ý nghĩ không thực tế của trẻ.
Trẻ có thể vẫn yêu quý cha/mẹ ruột hơn người đàn ông/phụ nữ mới của mẹ/cha. Qua thời gian, trẻ sẽ cảm thấy người đàn ông/ phụ nữ mới này là một người tốt, có thể làm bạn và vui chơi cùng trẻ. Mọi sự ghen tị của trẻ với người đàn ông/ phụ nữ đó sẽ dần biến mất sau khi một khoảng thời gian thích nghi.
Hãy cho cha/mẹ ruột của trẻ biết rằng bạn sẽ giới thiệu trẻ với người bạn đang hẹn hò. Không nên để trẻ có ý nghĩ rằng đó là việc phải giữ bí mật, hoặc trẻ phải là người tự nói ra điều đó với người cha/mẹ còn lại, điều đó sẽ khiến trẻ bị tổn thương đấy.
Thận trọng trong quan hệ thân mật với người yêu. Trẻ em học hỏi từ người lớn, đặc biệt là từ cha mẹ. Khi bạn xây dựng một mối quan hệ với bạn trai/ bạn gái, lưu ý rằng trẻ cũng nhìn và học từ bạn những cử chỉ thân mật. Vì vậy, bạn hãy thật sự thận trọng trong chuyện hẹn hò của mình nhé.
Đứng dậy sau ly hôn là một thách thức lớn cho cả cha mẹ và con cái. Khi nào và làm cách nào để bắt đầu một mối quan hệ mới tùy thuộc vào mỗi hoàn cảnh. Cha/ mẹ cần cân nhắc nhu cầu của chính mình cũng như của con cái. Cha/ mẹ có thể vẫn có thể tiếp tục coi con cái là ưu tiên hàng đầu bằng cách dành nhiều thời gian cho con, thể hiện tình yêu thương của mình với con. Khi cha/ mẹ có cơ hội có được mối quan hệ trọn vẹn, thì niềm hạnh phúc của họ sẽ mang lại tác động tích cực đến con cái đấy.
- Edward L.Schor, M.D. (2004). Caring for your school-age child: ages 5 to 12. Bantam Books. Trang 433 – 435.
- Dating After Divorce: Effects on Children. Đọc thêm tại: <https://laurenmillslcsw.wordpress.com/2013/06/12/dating-after-divorce-effects-on-children/>. [Ngày 7 tháng 10 năm 2015]
- The Effects of Dating on Children after Divorce. Đọc thêm tại: <http://everydaylife.globalpost.com/effects-dating-children-after-divorce-16983.html>. [Ngày 7 tháng 10 năm 2015]
- Dating After Divorce. Đọc thêm tại: <http://www.eharmony.com/dating-advice/about-you/dating-after-divorce/#.VhTxfCge6Ns>. [Ngày 7 tháng 10 năm 2015]
- Dating after Divorce:The Basics. Đọc thêm tại: <http://www.divorcehelpforparents.com/dating-after-divorce.html>. [Ngày 8 tháng 10 năm 2015]