Để giảm khó chịu vì đau xương chậu khi mang thai, mẹ cần để ý trong sinh hoạt hàng ngày như chọn tư thế nằm nghiêng để giảm sức nặng cho vùng chậu, dùng đai hỗ trợ hay một số phương pháp khác. Thường phụ nữ mang thai sẽ không còn đau xương chậu sau khi em bé ra đời.
Mặc dù ít gặp nhưng cũng có trường hợp đau xương chậu làm mẹ không sinh qua ngã âm đạo được và bác sĩ phải chọn phương pháp sanh mổ. Hay thậm chí hiếm gặp hơn nữa, đó là mẹ có thể đau nặng hơn sau khi chuyển dạ và cần phải can thiệp y khoa. Đối với hầu hết các mẹ đau xương chậu khi mang thai thì chỉ cần lựa một số phương pháp đơn giản tại nhà để giảm bớt cơn đau và chờ cho đến sau khi sinh con vài tuần thì các cơn đau sẽ tự biến mất.
Chọn tư thế phù hợp để giảm đau xương chậu khi mang thai
- Mẹ nên tránh các yếu tố làm mẹ đau nhiều bằng cách hạn chế các tư thế gây chịu lực lên vùng chậu và giảm tối thiểu bất kì hoạt động nào liên quan tới việc nâng, dạng chân – hay thậm chí là đi lại quá mạnh. Mẹ cứ vui vẻ nhận sự hỗ trợ từ chồng, gia đình và bạn bè trong sinh hoạt hằng ngày chứ không nên cố tự làm mọi thứ một mình lúc này mẹ nhé.
- Nghỉ ngơi thường xuyên hơn, tranh thủ ngồi.
- Tránh đứng bằng một chân, ví dụ như khi mặc quần (nên ngồi khi mặc quần áo).
- Cân nhắc việc thay đổi tư thế khi ngủ, ví dụ nằm nghiêng 1 bên, đặt 1 cái gối vào giữa 2 chân để cảm thấy thoải mái hơn. Mẹ cũng có thể mua gối hỗ trợ cho bà bầu để ngủ trong lúc này.
- Tránh những hoạt động gây mất sự cân xứng của khung chậu, như ngồi bắt chéo, đứng bằng 1 chân hoặc chuyển nhiều trọng lực cơ thể lên 1 chân, gập hông hay ôm xách thứ gì bằng một bên hông, trở mình trên giường mạnh từng chân một. Nếu cần trở mình thì mẹ hãy khép nhẹ 2 chân, cùng co 2 chân (chứ không nên chân co chân duỗi không cân xứng) và lật trở nhẹ nhàng.
Dùng đai hỗ trợ và tập luyện phù hợp để giảm đau xương chậu
- Mẹ hãy cố gắng cố định dây chằng vùng khung chậu bằng cách mang đai hỗ trợ cho vùng chậu khi đi lại, dụng cụ này sẽ giúp cố định khung chậu về đúng vị trí.
Phương pháp Kegel và động tác nghiêng khung chậu có thể giúp làm cơ vùng chậu khỏe hơn và chịu đựng sức nặng của em bé tốt hơn.
- Một số động tác Yoga và bơi nhẹ nhàng giúp cơ thể mẹ dẻo dai hơn cũng rất có ích trong lúc này. Tuy vậy, mẹ nhớ chọn nơi tập và hồ bơi sạch sẽ để không bị nhiễm khuẩn
Các biện pháp khác cho mẹ đau vùng xương chậu khi mang thai
Chẩn đoán đau xương chậu khi mang thai sớm sẽ giúp mẹ giảm được triệu chứng đau và tránh biến chứng khi mang thai lâu dài. Nếu đau nhiều, mẹ hãy đề nghị bác sĩ kê thuốc giảm đau hay có kĩ thuật CAM, ví dụ như châm cứu hay nắn khớp.
Nếu mẹ đã từng mang thai và bị đau xương chậu trong lần mang thai trước, tốt hơn hết là mẹ nên đợi từ 18-24 tháng mới mang thai em bé sau đồng thời áp dụng các biện pháp giảm cân nếu mẹ bị thừa cân trước khi tiến hành thụ thai.
Đối với hầu hết các mẹ, một khi em bé được sinh ra và sự sản xuất relaxin chấm dứt, thì dây chằng vùng chậu của mẹ sẽ trở về bình thường không còn tình trạng căng giãn nữa. Sau khi sinh vài tuần, hầu hết các mẹ sẽ không còn đau vùng xương chậu như trong khi mang thai chút nào.
- Heidi Murkoff & Sharon Mazel, 2008, What to expect when you’re expecting, 4th edn, Workman Publishing, USA. Page 558-559.
- Pelvic Pain (Symphysis Pubis Dysfunction). Đọc thêm tại: <http://www.plus-size-pregnancy.org/pubicpain.htm>. [Ngày 08 tháng 12 năm 2015].
- Pelvic pain in pregnancy. Đọc thêm tại: <http://www.nhs.uk/conditions/pregnancy-and-baby/pages/pelvic-pain-pregnant-spd.aspx>. [Ngày 08 tháng 12 năm 2015].
- Pregnancy related pelvic girdle pain (PGP) in pregnancy. Đọc thêm tại: <https://www.nct.org.uk/pregnancy/pelvic-girdle-pain-pregnancy>. [Ngày 08 tháng 12 năm 2015].