Mẹ đẹp

Tất tần tật những điều cần biết về mụn

Những điều cần biết về mụn sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về nguyên nhân gây ra mụn, cách chăm sóc da mụn, cũng như có cách trị mụn hiệu quả hơn.

Mụn do đâu mà có?

Là con gái, chắc hẳn đã không dưới một lần bạn cảm thấy “mất ăn mất ngủ” vì những nốt mụn trên mặt, đặc biệt là khi mụn mọc trước những dịp quan trọng làm bạn trở nên kém tự tin hẳn đi.

tat-tan-tat-nhung-dieu-can-biet-ve-mun-hinh-anh1

Mụn khiến bạn gái kém tự tin

Thế là bạn cuống cuồng lên thử hết loại mỹ phẩm này đến loại mỹ phẩm khác, bạn thậm chí còn lên mạng lùng sục không biết bao nhiêu công thức trị mụn từ thiên nhiên để mong sao lũ mụn phiền phức kia biến mất càng nhanh càng tốt.

Mụn là một bệnh về da khá phổ biến, xảy ra khi tuyến dầu dưới da sản xuất quá nhiều bã nhờn trong khi nang lông bị bịt kín dẫn đến hình thành mụn. Mụn thường xuất hiện ở mặt, cổ, lưng, ngực và vai.

Mặc dù mụn không phải là một mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng nhưng nó có thể để lại sẹo, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ và khiến nhiều người thiếu tự tin trong giao tiếp.

Mụn có rất nhiều loại, trong đó thường gặp những loại dưới đây:

  • Mụn đầu trắng (Whiteheads): Đây là dạng mụn nằm dưới bề mặt da.
  • Mụn đầu đen (Blackheads): Mụn nổi lên trên bề mặt da và có màu đen. Màu đen này không phải là do bụi bẩn như nhiều người vẫn thường nghĩ mà là do chất nhờn tiết ra từ da tiếp xúc với không khí, đôi khi chúng có thể có màu vàng hoặc nâu.
  • Nốt sần (Papules): Đây là các nốt sưng nhỏ màu hồng và có thể dễ dàng bị vỡ ra.
  • Mụn mủ (Pustules): Mụn mủ là mụn có màu đỏ ở phần chân và có mủ ở trên đầu.
  • Mụn bọc (Nodules) và u nang (Cysts): Mụn bọc là những cục u chứa đầy mủ thường gây đau và có thể để lại sẹo, không giống như các dạng mụn khác, mụn bọc có thể kéo dài trong nhiều tuần liền hay thậm chí vài tháng, kết quả tạo thành u nang U nang (Cysts) là dạng mụn nghiêm trọng nhất trong tất cả các loại mụn. Tuy nhiên không phải tất cả các mụn bọc đều phát triển thành u nang.

tat-tan-tat-nhung-dieu-can-biet-ve-mun-hinh-anh2

Những điều cần biết về mụn

Nhiều nguyên nhân gây ra mụn

Mụn là một bệnh về da khá phổ biến. Tất cả mọi người thuộc mọi lứa tuổi khác nhau đều có thể có mụn, phổ biến nhất là ở tuổi vị thành niên. Khoảng 80% người bị mụn thuộc độ đuổi từ 11-30. Tuy nhiên, một số người ở độ tuổi trung niên vẫn có thể có mụn.

Hiện nay vẫn chưa biết rõ nguyên nhân chính xác gây ra mụn. Tuy nhiên các bác sĩ cho rằng một số yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ bị mụn:

Sự thay đổi Hormone, đặc biệt là ở tuổi dậy thì. Sự gia tăng quá mức một loại hormone có tên là Testosterone ở độ tuổi dậy thì đóng một vai trò quan trọng trong việc kích thích sự tăng trưởng, phát triển dương vật, tinh hoàn ở con trai và giúp duy trì sự săn chắc xương ở bé gái.

Sự gia tăng này làm cho tuyến bã nhờn hoạt động mạnh mẽ hơn và sản sinh ra nhiều dầu. Đây là cơ hội để cho một loài vi khuẩn có tên là P.acnes hoạt động, chúng sinh sôi nảy nở, gây viêm nhiễm dẫn đến hình thành mụn mủ. Ngoài ra tuyến bã nhờn được tiết ra nhiều sẽ làm cho các lỗ chân lông bị tắc nghẽn và dễ sinh ra mụn hơn.

Ở người trưởng thành mụn cũng có thể xảy ra trong thời kì kinh nguyệt, do mang thai hoặc do mắc phải hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).

Yếu tốt di truyền. Nếu trong gia đình có cha/mẹ bị mụn thì bạn cũng sẽ có nguy cơ bị mụn cao hơn những người khác.

Ngoài ra một số yếu tố khác cũng có thể làm gia tăng nguy cơ bị mụn như sử dụng mỹ phẩm, một số loại thuốc hoặc do ăn uống, vệ sinh… Một số loại mỹ phẩm có khả năng gây ra mụn, tuy nhiên ngày nay trường hợp này ít xảy ra hơn vì hầu hết các loại mỹ phẩm đều được kiểm tra và thử nghiệm trước khi sản xuất đại trà.

Bên cạnh đó, một số loại thuốc như Steriod, Lithium thường dùng để điều trị trầm cảm, rối loạn cưỡng cực (bipolar disorder) và một số loại thuốc chống động kinh (anti-epileptic) cũng có thể làm gia tăng nguy cơ bị mụn. Ngoài ra, đeo khẩu trang, băng đô, đón bảo hiểm thường xuyên có thể làm gia tăng áp lực lên vùng da gây ra mụn, đặc biệt, hút thuốc cũng có thể góp phần xuất hiện mụn.

Mụn là do ăn các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ? Thực tế có rất ít bằng chứng cho thấy socola và các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ là nguyên nhân gây ra mụn.

Một số người khác lại cho rằng da bẩn có thể gây ra mụn, tuy nhiên mụn không phải gây ra bởi bụi bẩn, đôi khi việc “quá sạch sẽ” và rửa mặt thường xuyên quá nhiều lần trong ngày cũng có thể gây kích ứng da và làm cho tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng. Bị stress không gây ra mụn nhưng có thể làm tình trạng mụn trở nên tồi tệ hơn.

Điều trị mụn cần kiên trì

Việc điều trị mụn không phải là chuyện ngày một ngày hai là có thể điều trị khỏi hoàn toàn, đôi khi việc điều trị đòi hỏi mất nhiều tháng liền tình trạng da mụn mới được cải thiện. Vì vậy nếu bạn bị mụn, cần phải kiên trì và sử dụng thuốc theo đúng liều lượng và chỉ định của bác sĩ. Bác sĩ có thể kê cho bạn một số loại thuốc như:

Thuốc dạng kem, gel bôi tại chỗ

Benzoyl Peroxide: Benzoyl Peroxide (Ancol 10, Cutacnyl 10, Hanoxy 10…) có thể làm giảm lượng vi khuẩn trên bề mặt da; giảm mụn đầu trắng, mụn đầu đen và chống viêm.

Retinoids dạng bôi: như Tretinoin (Avita, Renova, Retin- A), Tazarotene (Avage, Fabior, Tazorac…) giúp loại bỏ các tế bào chết trên bề mặt da, điều này sẽ giúp ngăn chặn việc chúng tích tụ gây tắt nghẽn nang lông.

Azelaic acid: Azelaic Acid ( Azelin, Nacner, ZA…) giúp loại bỏ da chết và tiêu diệt vi khuẩn.

tat-tan-tat-nhung-dieu-can-biet-ve-mun-hinh-anh3

Bôi thuốc đúng cách để trị mụn hiệu quả

Kháng sinh

Kháng sinh bôi tại chỗ: Thuốc kháng sinh bôi tại chỗ có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn ở nang lông (trong trường hợp nang lông bị tắc nghẽn làm gia tăng hoạt động của vi khuẩn và gây viêm). Một số loại kháng sinh thường dùng như bacitracin, neomycin (Neomycin), mupirocin (Bactroban, Supirocin, Mupirax)  và polymyxin B.

Kháng sinh bằng đường uống: Thuốc thường được sử dụng kết hợp với kháng sinh tại chỗ trong trường hợp bị mụn nghiêm trọng. Thông thường bác sĩ sẽ kê loại kháng sinh Tetracyclines (Bidiocyn 250mg, Tetracyclin, Servitet 500mg). Trong trường hợp bạn mang thai hoặc đang cho con bú thì nên điều trị mụn bằng kháng sinh Erythromycin (Althrocin S, Apthromycin 250, Elthrocin).

Phụ thuộc vào độ nhạy của cơ thể với thuốc mà thời gian điều trị ở mỗi người có thể khác nhau, đôi khi có thể kéo dài từ 4-6 tháng. Tuy nhiên thông thường phải mất đến 6 tuần kể từ khi bắt đầu điều trị bạn mới nhận thấy da được cải thiện.

Liệu pháp nội tiết tố

Liệu pháp nội tiết tố thường mang lại hiệu quả đối với các bạn nữ, đặc biệt là khi mụn bùng phát trong thời kì kinh nguyệt hoặc liên quan đến những rối loạn hormone như hội chứng đa năng buồng trứng.

Co-cyprindiol là một loại thuốc điều trị nội tiết tố có thể được sử dụng trong trường hợp bị mụn nặng và không đáp ứng với điều trị bằng thuốc kháng sinh. Co-cyprindiol giúp làm giảm sản xuất bã nhờn, tuy nhiên phải sử dụng trong một thời gian dài khoảng từ 2-6 tháng mới nhận thấy sự cải thiện.

Co-cyprindiol có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn và không an toàn khi sử dụng cho phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú, vì vậy, chỉ nên sử dụng thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ.

Isotretinoin

Isotretinoin (Absorica, Amnesteem, Claravis….) giúp hạn chế tiết bã nhờn, ngăn chặn các nang lông bị nghẹt, giúp làm giảm lượng vi khuẩn trên da đồng trời giảm sưng tấy.

Tuy vậy thuốc cũng gây ra nhiều tác dụng phụ như viêm da, khô và nứt da ở mũi và môi, thay đổi nồng độ đường trong máu, viêm kết mạc, viêm mí mắt, máu trong nước tiểu, ảnh hưởng đến thai nhi… vì vậy Isotretinoin chỉ được sử dụng trong trường hợp bị mụn nặng và cần có sự chỉ định của bác sĩ.

Hãy chăm sóc da đúng cách

Nếu da bị mụn, bạn cần biết cách chăm sóc da đúng cách. Bạn có thể rửa sạch da một cách nhẹ nhàng, sử dụng sữa rửa mặt nhẹ vào buổi sáng, buổi tối hoặc sau khi chơi thể thao. Bạn không nên chà xát vào vùng da bị mụn và không rửa vùng da bị mụn quá 2 lần một ngày vì có thể gây kích ứng da đấy.

Bên cạnh đó, bạn hãy cố gắng không chạm vào vùng da đang bị mụn, không sờ hay nặn mụn vì có thể để lại sẹo. Đối với các bạn nam, khi cạo râu cần cạo một cách nhẹ nhàng, cẩn thận, tránh vùng da bị tổn thương, sử dụng dao cạo an toàn và bén. Ngoài ra có thể sử dụng kem làm mềm râu giúp cạo râu được dễ dàng hơn.

Một lưu ý quan trọng dành cho những người đang bị mụn là hãy tránh xa ánh nắng mặt trời. Một số loại thuốc trị mụn có khả năng gây cháy nắng.

Ngoài ra tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là giờ cao điểm có thể làm tăng nguy cơ ung thư da. Lựa chọn kem trang điểm phù hợp cũng là điều cần thiết với người có làn da mụn. Những người bị mụn nên chọn loại kem trang điểm không chứa nhiều dầu (trên nhãn có chữ Noncomedogenic), vì những sản phẩm trang điểm này sẽ ít làm tắc nghẽn lỗ chân lông của bạn hơn.

Nếu da bạn thuộc loại da dầu thì nên gội đầu thường xuyên và tránh để tóc xõa vào vùng da bị mụn. Việc tập thể dục thường xuyên không thể cải thiện tình trạng mụn, tuy nhiên, nó có thể giúp tâm trạng bạn được thoải mái hơn, từ đó hạn chế sự gia tăng mụn




  1. What is acne. Đọc thêm tại: <http://www.niams.nih.gov/Health_Info/Acne/acne_ff.asp>. [Ngày 17 tháng 12 năm 2014]
  2. Acne. Đọc thêm tại: <http://www.nhs.uk/Conditions/Acne/Pages/Introduction.aspx>. [Ngày 17 tháng 12 năm 2014]
  3. Acne. Đọc thêm tại: <http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/acne.html>. [Ngày 17 tháng 12 năm 2014]
  4. Topical Retinoid Medicines for Acne. <http://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/acne/topical-retinoid-medications-for-acne>. [Ngày 17 tháng 12 năm 2014]
  5. Antibiotics, Topical. Đọc thêm tại: <http://medicaldictionary.thefreedictionary.com/Topical+Antibiotics>. [Ngày 17 tháng 12 năm 2014]
  6. What is acne? What causes acne?- What you need to know. Đọc thêm tại: <http://theacneproject.com/what-is-acne-and-what-causes-acne/>. [Ngày 25 tháng 03 năm 2015]
  7. Nodules and Cysts. Đọc thêm tại: <http://www.acne.com/types-of-acne/acne-types/nodules-and-cysts/>. [Ngày 25 tháng 03 năm 2015]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com