Nuôi con

Các nguyên tắc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong gia đình có trẻ ăn dặm

Giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm khi chế biến thức ăn cho bé yêu là một việc vô cùng quan trọng, vì nếu tuân thủ đúng các nguyên tắc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mẹ không chỉ giúp bé có những món ăn ngon mà còn đảm bảo sức khỏe và phòng tránh các bệnh về đường tiêu hóa nữa đấy!

1. Giữ vệ sinh an toàn thực phẩm bằng cách rửa tay thật sạch

Rửa tay là một trong những nguyên tắc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cơ bản nhất. Rửa sạch tay với xà phòng trước và sau khi nấu thức ăn cho bé là một việc đơn giản nhưng rất hiệu quả trong việc giữ vệ sinh và phòng tránh dịch bệnh, đặc biệt là sau khi mẹ đi vệ sinh xong.

Trước khi ăn, bố mẹ và bé cũng nhớ rửa tay bằng xà phòng ngay dưới vòi nước chảy khoảng 20 giây cho thật vệ sinh nữa nhé.

cac-nguyen-tac-dam-bao-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-trong-gia-dinh-co-tre-an-dam-hinh-anh1

Rửa tay thật sạch với xà phòng trước khi nấu ăn cho bé
Cả bé cũng cần được mẹ chùi tay bằng khăn sữa có nhúng nước hoặc dẫn bé đi rửa tay. Bởi trong lúc ăn, có thể bé sẽ được đút, nhưng bé vẫn thường dùng tay để quẹt lên miệng hoặc bốc thức ăn.

2. Rửa thật sạch thực phẩm trước khi nấu

Mẹ nhớ rửa thật sạch thực phẩm trước khi nấu bằng cách cho thực phẩm ở dưới vòi nước để nước xối thẳng các chất bẩn đi luôn. Sau khi xối nhiều lần, mẹ có thể ngâm thực phẩm với một ít nước muối.

Mỗi loại thực phẩm khác nhau sẽ có cách làm sạch và sơ chế không giống nhau, nhưng đa phần đều áp dụng quy tắc làm sạch 4 bước:

Bước 1. Rửa thực phẩm dưới vòi nước sạch để cuốn trôi mọi bụi bẩm, đất cát, thuốc bảo vệ thực vật…

Bước 2. Ngâm thực phẩm trong nước, có thể pha thêm muối để diệt khuẩn tốt hơn

Bước 3. Rửa lại bằng nước sạch để một lần nữa đẩy trôi các chất bẩn bám trên thực phẩm sau khi ngâm

Bước 4. Cắt nhỏ thực phẩm trước khi chế biến với dao, kéo sạch

cac-nguyen-tac-dam-bao-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-trong-gia-dinh-co-tre-an-dam-hinh-anh2

Rửa thật sạch thực phẩm với nước trước khi nấu

3. Thức ăn sống và chín không nên để chung

Khi đi chợ về, mẹ nhớ tách riêng thức ăn cần phải nấu chín trước khi ăn (thịt, cá, trứng, đậu hũ…) và thức ăn chín hoặc loại có thể ăn ngay (trái cây, sữa chua, salad,…) để tránh nhiễm khuẩn nhé.

Để tuân thủ đúng nguyên tắc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mẹ cần có ít nhất 2 chiếc thớt để dành riêng cho những loại thực phẩm khác nhau. Với thịt, cá, thức ăn có nguồn gốc động vật mẹ cần thớt riêng so với thức ăn có nguồn gốc thực vật. Với những món như rau củ quả có thể ăn ngay không cần nấu nướng, bánh mì hoặc thức ăn chín thì mẹ nên dùng 1 riêng một thớt khác.

Việc rửa thực phẩm sống – chín cũng cần có quy trình cụ thể. Mẹ nên rửa trái cây, rau trước khi rửa thức ăn cần nấu chín (thịt, cá, trứng). Hoặc nếu bắt buộc phải rửa thịt, cá, trứng…trước thì sau khi rửa những thực phẩm này xong, mẹ nên rửa tay và bồn rửa/chậu thật sạch bằng xà phòng ngay để khỏi gây nhiễm khuẩn sang các thức ăn không cần phải nấu khác.

Sau khi nấu, mẹ nhớ là đừng để thức ăn chín vào chung với các đĩa bát đã đựng thực phẩm chưa chế biến như thịt, cá tươi hay trứng để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nhé.

cac-nguyen-tac-dam-bao-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-trong-gia-dinh-co-tre-an-dam-hinh-anh3

Không để chung thức ăn sống với thức ăn chín để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

4. Giữ dụng cụ nấu ăn đúng cách và thật sạch

Sau khi sử dụng, mẹ nên rửa thớt và các dụng cụ nấu nướng thật sạch, phơi nơi khô thoáng hoặc có nắng là tốt nhất.

Đồ dùng để nấu thức ăn mẹ nên mua nồi innox, nhôm mạ, sắt mạ không chứa chì hoặc thủy tinh chứ đừng mua nồi bằng đồng hoặc sành sứ có chứa chì. Việc lựa chọn các dụng cụ nấu ăn có chất lượng cao sẽ giúp đảm bảo sức khỏe của bé tốt hơn, đặc biệt là khi mẹ nấu thức ăn có vị chua ( chứa chanh, cà chua hoặc dấm).

Mọi thìa và dụng cụ dùng để nếm thức ăn trong khi nấu, mẹ đừng cho lại vào nồi nấu vì việc này sẽ dễ làm hỏng thức ăn của bé hơn đấy.

Không chỉ vậy, các vật dụng và bề mặt bếp sát gần bếp cần được lau sạch (nhất là với thức ăn sống còn vương vãi), mẹ cần dùng cây lau bằng nước xà phòng càng nóng càng tốt để tránh thức ăn bị nhiễm khuẩn.

cac-nguyen-tac-dam-bao-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-trong-gia-dinh-co-tre-an-dam-hinh-anh4

Giữ dụng cụ nấu ăn đúng cách và thật sạch chính là cách đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

5. Bảo quản và nấu lại thức ăn dặm cho bé thế nào?

Sau khi chế biến xong món ăn, mẹ không nên để thức ăn đã nấu chín của bé ở nhiệt độ thường quá 1 giờ đồng hồ (nếu là đồ ăn của bé sơ sinh mẹ còn phải bảo quản cẩn thận hơn đấy). Mọi đồ ăn của bé từ rau củ, trái cây, thức ăn đã nấu chín đều phải được bảo quản ở nhiệt độ dưới 5oC.

Thức ăn đã nấu chín chỉ được bảo quản ở trong tủ lạnh ngăn mát tối đa 2 ngày và toàn bộ dụng cụ trữ thức ăn cho bé dưới 1 tuổi nên được rửa sạch, phơi khô và tiệt trùng trước khi cho thức ăn vào. Mẹ có thể sử dụng các dụng cụ bằng nhựa sạch và thủy tinh có nắp đậy kín vì những sản phẩm này bảo quản thực phẩm khá tốt và an toàn. Nếu không có nắp, mẹ có thể dùng lớp màng bọc thực phẩm bọc đồ ăn của con thật chặt.

Khi mẹ muốn trữ thức ăn lâu hơn, mẹ có thể cho thức ăn đã nấu vào các khay đá, che kín mặt bằng màng bọc thực phẩm và cho vào trong ngăn đá của tủ lạnh hoặc tủ cấp đông. Khi thức ăn đã đông thành đá trong khay, mẹ có thể cho vào những túi chuyên dụng lượng vừa đủ một bữa cho bé, vuốt nhẹ túi để không khí ra hết ngoài và đóng miệng túi, ghi rõ ở nhãn ngoài mỗi túi thông tin Tên thức ăn, ngày nấu và trữ trong ngăn đá.

Thức ăn để loại này có thể trữ tới 2 tháng ở ngăn đá 0oC. Nếu tủ cấp đông hoặc tủ lạnh có nhiệt độ khoang đá -26oC thì thức ăn có thể được bảo quản từ 6-8 tháng.

Sau khi lấy ra khỏi ngăn đá, mẹ có thể rã đông thức ăn trong ngăn mát tủ lạnh, trong lò vi sóng (chế độ rã đông) hoặc bằng nước nóng rồi cho bé ăn. Mẹ nên nhớ là chỉ rã đông như những cách vừa rồi thôi nhé, tuyệt đối không nên rã đông thức ăn ở điều kiện nhiệt độ phòng.

Thức ăn sống sau khi rã đông, nấu chín có thể để cấp đông lại. Tuy nhiên, thức ăn sống sau khi rã đông và chưa nấu chín không nên cấp đông 1 lần nữa, dễ dẫn đến rối loạn tiêu hóa cho bé.

Mẹ có thể kiểm tra độ nóng của thức ăn bằng cách nhỏ vài giọt thức ăn lên cổ tay mẹ, nếu thấy không nóng hoặc lạnh quá là có thể cho bé ăn được. Nhiệt độ lý tưởng cho bé ăn là 30-37oC. Mẹ không nên cho lại vào ngăn đá thức ăn đã rã đông một lần hoặc thức ăn thừa của bé sau bữa ăn vì những thức ăn này đã có nguy cơ bị nhiễm khuẩn, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

6. Không có gì làm thức ăn sạch bằng nấu chín

cac-nguyen-tac-dam-bao-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-trong-gia-dinh-co-tre-an-dam-hinh-anh5

Đảm bảo thức ăn sạch bằng cách nấu chín

Khi bé bắt đầu ăn dặm, nếu có thể mẹ chỉ nên cho bé ăn thức ăn đã nấu chín và hạn chế các loại quả ăn cả vỏ (kể cả trái cây như táo và lê) hoặc rau sống để đảm bảo điều kiện tiệt trùng cho hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện của bé nhé!



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Top 10 feeding mistakes parents make. Đọc thêm tại: <http://www.100daysofrealfood.com/2013/07/08/top-10-feeding-mistakes-parents-make/>. [Ngày 28 tháng 10 năm 2014].
  2. Cooking utensils and nutrition. Đọc thêm tại: <http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/002461.htm>.  [Ngày 28 tháng 10 năm 2014].
  3. Feeding your baby 6-12 months. Đọc thêm tại: <http://www.gpa.gov.nl.ca/gs/attachments/TP108020961/TP108020961-1.pdf>. [Ngày 10 tháng 07 năm 2015].
  4. Introducing solid food. Đọc thêm tại: <https://www.gov.uk/government/uploads/system/uploads/attachment_data/file/216328/dh_125828.pdf>. [Ngày 10 tháng 07 năm 2015].
  5. Properly Wash Fresh Produce to Prevent Foodborne Illness. Đọc thêm tại: <https://food.unl.edu/safety/washing-fruit-vege>. [Ngày 10 tháng 07 năm 2015].
  6. Clean wash hands and surfaces often. Đọc thêm tại: http://www.foodsafety.gov/keep/basics/clean/. [Ngày 10 tháng 07 năm 2015].
  7. Raw produce: Selecting and serving it safely. Đọc thêm tại: http://www.fda.gov/food/resourcesforyou/consumers/ucm114299. [Ngày 10 tháng 07 năm 2015].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com