Việc bảo quản các vật dụng trong tủ quần áo như túi xách, phụ kiện, áo thun, áo ngực,…tưởng chừng rất đơn giản nhưng bạn rất dễ mắc phải sai lầm khiến chúng bị hỏng. Tham khảo cách xếp đồ trong tủ quần áo ở bài viết này để khắc phục nếu bạn cũng mắc phải nhé!
Sai lầm 1: Sử dụng móc quần áo bằng kim loại thay vì loại được bọc nhung/nỉ
Với những loại quần áo có chất liệu vải nặng, móc kim loại sẽ khiến chúng bị biến dạng theo thời gian. Chính vì vậy, dù móc quần áo bọc nỉ/ nhung đắt tiền hơn nhưng bạn rất nên đầu tư bởi công dụng tuyệt vời: chúng sẽ không gây nên 2 điểm nhô ra xấu xí ở 2 bên vai áo sơ mi như móc kim loại, chúng có độ bám khá tốt để treo các loại trang phục vải lụa, mỏng, và đấy là chưa kể chúng còn nhỏ hơn so với móc nhựa, vì vậy sẽ không chiếm nhiều không gian trong tủ quần áo của bạn.
Sai lầm 2: Móc áo len tương tự như các loại áo sơ mi/ áo kiểu khác
Áo len càng nặng sẽ càng bị kéo trì xuống, làm giãn hết cả phần cổ và vai. Nếu tủ áo của bạn không có đủ ngăn để gấp và xếp chồng áo len, bạn có thể treo chúng lên với móc quần áo như hình bên dưới.
Sai lầm 3: Gấp quần áo da thay vì treo chúng lên
Hành động tai hại này sẽ khiến bề mặt vải xuất hiện đầy vết nhăn ngang dọc. Mà bạn biết đó, vải da không thể ủi được, nên bạn sẽ rất khó khăn trong việc tìm ra cách đánh bay những nếp nhăn đáng ghét đó đi. Giải pháp cho vấn đề này là bạn hãy dùng loại móc quần áo có kẹp, đừng quên lót thêm giấy trước khi kẹp vào quần áo để tránh để lại dấu vết.
Sai lầm 4: Treo quần áo trong túi nhựa sạch và khô ráo
Bạn nghĩ rằng treo quần áo trong túi nhựa sẽ giúp quần áo phẳng phiu và tránh được bụi bặm tốt hơn? Sai lầm! Quần áo cũng cần được “thở”. Việc lưu trữ như thế trong tủ quần áo sẽ chỉ khiến chúng bị ám mùi nhựa và trở nên ẩm mốc. Để tránh quần áo bị nhăn, bạn nên treo chúng cách xa nhau khoảng 2 – 3 cm là ổn.
Sai lầm 5: Mang quần áo đi giặt khô quá thường xuyên
Giặt khô quá thường xuyên sẽ khiến chất liệu vải trở nên xuống cấp. Nếu tag quần áo chỉ ghi là “giặt khô” chứ không phải “chỉ được giặt khô”, bạn hoàn toàn có thể giặt tay tại nhà và phơi khô chúng.
Sai lầm 6: Làm khô áo ngực bằng máy sấy (hoặc chế độ sấy khô của máy giặt)
Sức nóng là kẻ thù của độ đàn hồi. Vậy nên sao khi giặt xong, hãy treo áo ngực của bạn lên bằng cách vắt ngang chúng qua móc áo rồi phơi khô (không nên treo quai áo bởi chúng sẽ bị giãn đấy).
Nếu bạn muốn khô nhanh, hãy bỏ áo ngực vào dụng cụ quay rau củ, quay vài vòng cho ráo nước trước khi mang phơi.
Sai lầm 7: Không cẩn thận khi cất áo ngực trong tủ
Việc nhồi nhét áo ngực vào tủ quần áo nếu không khéo sẽ khiến cúp áo bị hỏng. Tốt nhất bạn nên để chúng nằm ngang, song song nhau như ở các cửa hàng trưng bày.
Sai lầm 8: Vắt nước khỏi đồ bơi bằng cách xoắn và vặn chúng
Hành động này sẽ làm hỏng độ co giãn và khiến bộ đồ bơi của bạn bị mất phom dáng ban đầu. Do đó, tốt hơn hết, bạn nên cuộn chúng vào một chiếc khăn, sau đó hãy vắt nước và phơi khô.
Sai lầm 9: Giặt sấy đồ bơi bằng máy
Nếu bạn giặt sấy đồ bơi bằng máy, chúng sẽ chóng bị bay màu và hỏng vải. Hãy giặt chúng bằng tay dưới vòi nước với một ít chất tẩy rửa rồi phơi khô tự nhiên để kéo dài “tuổi thọ” cho chúng nhé.
Sai lầm 10: Quẳng quần áo tập thể thao ướt đẫm mồ hôi vào sọt quần áo cần giặt
Hành động này sẽ gây ra mùi ẩm mốc rất khó chịu. Bạn nên phơi khô chúng trước khi cho vào sọt.
Sai lầm 11: Ủi trang phục có chất liệu vải mỏng manh
Hầu hết các loại vải (đặc biệt là lụa và các loại vải có đính phụ kiện trang trí) đều rất chóng bị hỏng nếu bạn sử dụng loại bàn ủi thông thường, đấy là chưa kể nếu bạn không cẩn thận, rất có thể bị để lại dấu nữa. Tốt nhất bạn nên đầu tư một chiếc bàn ủi hơi nước hoặc treo quần áo trong phòng tắm đầy hơi nước một chốc để chúng tự thẳng ra nhé.
Sai lầm 12: Cất giày trong các hộp to
Cách tốt nhất để các đôi giày yêu quý của bạn giữ nguyên được phom dáng, đó là hãy đặt chúng trên kệ, một chiếc nằm thẳng đứng và chiếc còn lại nằm ngay phía sau lưng. Bằng cách này, bạn có thể thấy được mọi đôi giày mà không cần phải lục tung lên.
Sai lầm 13: Treo tất tần tật các loại phụ kiện trên móc treo đồ
Và thế là bạn phải tốn hàng khối thời gian để gỡ rối chúng ra khỏi nhau khi cần xài một món trong số đó. Hãy tận dụng hộp bánh muffin hoặc khay nước đá để đặt riêng từng món phụ kiện, vừa tiện dụng là vừa chả tốn kém.
Sai lầm 14: Quên không cài nút, kéo khóa và lộn trái quần jeans trước khi cho vào máy giặt
Nút, khóa nếu không được cài lại sẽ rất dễ vướng vào các quần áo khác trong khi giặt khiến chúng bị giãn, hỏng. Còn các loại quần áo được nhuộm nhiều như quần jeans, bạn nên lộn trái để chúng không bị phai màu. Hãy chú trọng mỗi khi giặt giũ để giữ tủ quần áo bạn đầy ắp những chiếc áo và chiếc quần xinh đẹp, không bị giãn cũng như bị nhạt màu nhé.
Sai lầm 15: Giặt quần jeans thay vì cho chúng vào ngăn đá tủ lạnh
Nếu bạn e ngại quần jeans bị bay màu hay mất phom dáng, thay vì giặt, hãy bỏ chúng vào ngăn đá tủ lạnh qua một đêm, các vi khuẩn gây mùi hôi bám trên quần của bạn sẽ hầu như bị giết hết đấy.
Sai lầm 16: Treo túi xách lên móc khi không dùng đến
Tất nhiên là hành động này sẽ khiến quai túi xách của bạn bị giãn. Vậy nên, hãy đặt chúng lên kệ khi không dùng đến để chúng không bị mất phom nhé.
Sai lầm 17: Không gói kỹ túi xách trước khi cất vào tủ quần áo
Hãy nhét một vài chiếc áo thun cũ vào bên trong túi để cố định phom dáng, sau đó gói chiếc túi lại bằng túi bảo vệ (dust bag) trước khi cất vào tủ quần áo. Như vậy, chiếc túi của bạn lúc nào cũng sẽ trông như mới.
1. Brooke Shunatona, 17 Surprising Ways You’re Ruining Your Clothes. Đọc thêm tại: <http://www.cosmopolitan.com/style-beauty/fashion/advice/a35576/surprising-ways-you-ruin-your-clothes/>. [Ngày 02, tháng 09, năm 2015].