Kỹ năng sống

Chuyện mẹ chồng nàng dâu – Mở lòng để đón nhận yêu thương

Sẵn định kiến về chuyện làm dâu nên Tâm cũng chẳng bao giờ có ý nghĩ sẽ lấy lòng mẹ chồng mình. Cô thu mình trong một cuộc sống “vừa phải” – có nghĩa là vẫn đối tốt, vẫn vâng lời, làm đúng bổn phận con dâu, nhưng không bao giờ có cảnh mẹ chồng nàng dâu thân thiết, gần gũi hay kể lể tám chuyện như những nhà khác.

Năm 25 tuổi, Tâm làm đám cưới với Thạch sau 3 năm yêu nhau tha thiết. Nhà Thạch chỉ có 2 anh em, Thạch và một cô em gái, nên sau khi cưới, Tâm phải về làm dâu gia đình Thạch. Tâm vốn là một cô gái sôi nổi, hoạt bát và phóng khoáng nên việc phải sống chung với bố mẹ chồng khiến Tâm rất khó chịu và cảm thấy bị bó buộc, mất tự do.

Sẵn có định kiến về chuyện mẹ chồng nàng dâu nên Tâm cũng chẳng bao giờ có ý nghĩ sẽ lấy lòng mẹ chồng mình. Cô thu mình trong một cuộc sống “vừa phải” – có nghĩa là vẫn đối tốt, vẫn vâng lời, làm đúng bổn phận con dâu, nhưng không bao giờ có cảnh mẹ chồng con dâu thân thiết, gần gũi hay kể lể tám chuyện như những nhà khác. Mỗi ngày, sau khi đi làm về, nấu cơm, ăn uống và rửa chén bát xong xuôi là Tâm chui tọt vào phòng riêng, lên mạng chát chít, đọc truyện hoặc làm việc, mặc kệ bố mẹ chồng, chồng mình và cô em chồng ngồi uống nước, ăn trái cây, nói chuyện phiếm ở phòng khách. Thạch cũng nhiều lần góp ý, muốn cô tham gia cùng mọi người cho thêm gần gũi nhưng Tâm luôn viện lí do công việc nhiều, mệt mỏi, muốn nghỉ sớm,… để từ chối. Rồi Tâm có thai. Có lẽ khát cháu đã lâu, nên mẹ chồng cô nhiệt tình quan tâm lo lắng hết mực. Bà đi chợ, tự tay nấu bữa sáng cho Tâm, vì sợ Tâm ăn ngoài hàng xá nhiều không tốt, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng khổ nỗi tay nghề có hạn, nên bà chỉ biết nấu phở hoặc làm mì xào, bánh đa,… ăn một bữa hai bữa thì không sao, nhưng bắt Tâm ăn cả tháng, thậm chí vài tháng như thế thì thật kinh khủng. Bà cũng không cho Tâm dùng điện thoại, máy tính nhiều vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Mỗi lần Tâm muốn đi cà phê cà pháo, tám chuyện với bạn bè là bị bà nhắc nhở ngay hoặc ngăn cản vì sợ đi nhiều động thai;… Những điều đó khiến một cô gái hướng ngoại như Tâm cảm thấy ngộp thở, nhưng vì không muốn mang tiếng con dâu mà dám cãi lời mẹ chồng, nên Tâm dồn hết uất ức vào lòng. Mẹ chồng nàng dâu vì thế mà xa lại càng xa.

Chuyện mẹ chồng nàng dâu Mở lòng để đón nhận yêu thương

Tâm thu mình trong một cuộc sống vừa phải, vẫn đối tốt, vẫn vâng lời, làm đúng bổn phận con dâu

Sau khi sinh con, Tâm vốn muốn dạy con theo kiểu tây, tức là cho con ngủ riêng, cho con ăn dặm kiểu tự chỉ huy (cho bé tự bốc ăn theo ý thích chứ không cho ăn dặm như truyền thống), dạy con độc lập từ sớm,… Nhưng tất cả đều bị mẹ chồng cô phản đối. Việc phải chạy theo con khắp xóm, đút từng thìa một mà thằng bé cứ nhè ra làm Tâm mất kiên nhẫn. Mỗi lần con hư, Tâm thường phạt con đứng vào góc nhà nhưng mẹ chồng cô luôn vội vàng chạy ra ôm chầm lấy cháu và mắng nhiết cô như thể cô đang ngược đãi con mình rồi ôm thằng bé đi mất. Nhiều lần như vậy khiến Tâm khó chịu kinh khủng. Cô cũng chia sẻ thẳng thắn với mẹ chồng, hi vọng khi mình dạy con thì bà nội không nên can thiệp, vì như vậy sẽ khiến thằng bé ỷ lại, không nghe lời, bướng bỉnh,… Nghe xong, mẹ chồng cô nguýt dài “Ngày xưa mẹ cũng có đánh có phạt đâu mà anh em thằng Thạch vẫn nên người đấy thôi, bây giờ cũng là thạc sỹ, tiến sĩ rồi đấy!”. Thế là Tâm á khẩu, chẳng nói được câu nào dù trong bụng vẫn đầy ấm ức, bực bội. Hết cách, Tâm đành phải nói chuyện với Thạch, bắt anh nói chuyện cho rõ ràng với mẹ về quan điểm dạy con của hai vợ chồng, đặc biệt là ông bà nội không nên can thiệp khi hai vợ chồng đang dạy con. Sau khi Thạch đích thân… ra trận, mẹ chồng Tâm có lẽ nể con trai nên không còn tham gia quá đà vào việc dạy con của 2 vợ chồng Tâm nữa. Tuy nhiên, không khí ngột ngạt khiến Tâm ước gì mình được ra ở riêng, tránh xa bà mẹ chồng khó tính này!

Mọi chuyện chỉ dần thay đổi khi Tâm đi làm trở lại. Những ngày đầu xa con đi làm, Tâm lúc nào cũng lo lắng, đứng ngồi không yên, không biết con ăn uống, ngủ nghỉ thế nào vì con còn quá nhỏ, lại quen hơi mẹ. Suốt tháng đầu đi làm, hôm nào Tâm cũng phải tranh thủ giờ nghỉ trưa, bụng đói chạy về trông chừng con. Nhưng lần nào về, cô cũng thấy con trai mình được bà nội chăm sóc vô cùng cẩn thận. Bà chăm bẵm thằng bé từng miếng ăn giấc ngủ, lo lắng và chăm sóc cho cháu nội còn chu đáo hơn cả Tâm nữa. Dần dần, cô thay đổi cách nhìn đối với mẹ chồng. Không những vậy, nhờ có thằng bé mà Tâm và mẹ chồng của mình bắt đầu nói chuyện, chia sẻ với nhau nhiều hơn (hầu hết chủ đề đều là về thằng bé). Qua đó, Tâm cũng học được rất nhiều điều hay, kinh nghiệm chăm con, dạy con, quản lý gia đình từ mẹ chồng của mình. Mối quan hệ của hai mẹ con cũng dần được cải thiện hơn trông thấy. Bây giờ, hình ảnh thường thấy nhất của nhà Tâm đó là mỗi tối, cả nhà cô quây quần quanh thằng bé con, trêu chọc cho nó cười, dạy nó ê a phát âm từng câu chữ, những tiếng cười rộn ràng luôn vang lên trong căn nhà nhỏ bé. Và đương nhiên, Tâm cũng đã có mặt và góp phần vào những tiếng cười ấy chứ không còn trốn vào phòng riêng của mình như hồi trước! Đôi khi, Tâm chặc lưỡi, đúng là phải mở lòng mình ra mới đón nhận được yêu thương, tuy rằng còn nhiều bực mình, nhưng Tâm vẫn nghĩ chuyện mẹ chồng nàng dâu có vẻ dễ chịu hơn những gì mọi người vẫn đồn thổi.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com