Sức khỏe

Cẩn trọng với bệnh thấp khớp cấp ở trẻ em

Bệnh thấp khớp cấp ở trẻ em là bệnh nhiễm trùng phát triển sau khi trẻ bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A (A Streptococcus) như bệnh đau họng hay bệnh tinh hồng nhiệt mà không được điều trị đúng cách.

Triệu chứng bệnh thấp khớp cấp ở trẻ em

Thấp khớp cấp hay còn gọi là sốt thấp khớp (Rheumatic fever) thường xảy ra khoảng từ 14 -28 ngày sau khi trẻ bị đau họng hoặc mắc bệnh tinh hồng nhiệt. Nếu không điều trị, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như loạn nhịp tim, tổn thương tim ( như bệnh hẹp van hai lá hay hẹp động mạch chủ), viêm màng trong tim. Thấp khớp cấp có thể phát triển ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên, trẻ ở độ tuổi từ 5 đến 15 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.

Khi bị thấp khớp cấp, trẻ có thể gặp một số triệu chứng như đau bụng, sốt, chảy máu cam, nổi các nốt u dưới da, mắc một số vấn đề về tim làm cho trẻ có cảm giác khó thở và đau ngực. Tuy nhiên trong một số trường hợp trẻ có thể sẽ không biểu hiện gì cả. Bên cạnh đó, trẻ có thể bị đau khớp, viêm khớp (chủ yếu là ở đầu gối, khuỷu tay, cổ chân, cổ tay), sưng khớp, khớp đỏ hoặc nóng ran.

Trẻ cũng có thể bị nổi mẩn trên da, đặc biệt là ở phần thân và phần trên của cánh tay hoặc chân, các nốt này có hình dạng giống chiếc nhẫn hoặc hình dạng như con rắn. Ngoài ra, nhiều trẻ khi bị thấp khớp cấp còn mắc phải chứng múa giật (Sydenham chorea) với các dấu hiệu như cảm xúc không ổn định, yếu cơ, vận động nhanh, thiếu sự phối hợp khi chuyển động, đặc biệt ảnh hưởng đến mặt, chân và tay.

can-trong-voi-benh-thap-khop-cap-o-tre-em-hinh-anh1

Triệu chứng của bệnh thấp khớp cấp ở trẻ em khá đa dạng!

Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh thấp khớp cấp ở trẻ em?

Phần lớn các chuyên gia cho rằng, bệnh thấp khớp cấp ở trẻ em xảy ra là do hệ thống miễn dịch của cơ thể “phản ứng một cách thái quá” khi có sự hiện diện của liên cầu khuẩn nhóm A (A Streptococcus). Khi đó, cơ thể sẽ sản xuất ra kháng thể để chống lại vi khuẩn nhưng lại tấn công nhầm vào các mô của cơ thể, ban đầu chỉ gây ảnh hưởng đến các khớp, sau đó lây lan đến tim và các mô lân cận.

Tuy nhiên chỉ có khoảng 0.3 % trẻ bị viêm họng do liên cầu khuẩn phát triển thành bệnh thấp khớp cấp. Vì vậy, người ta cho rằng hệ thống miễn dịch yếu cũng có thể đóng góp một phần trong việc gây ra bệnh này.

Chẩn đoán và điều trị bệnh thấp khớp cấp ở trẻ em

Để chẩn đoán trẻ có bị thấp khớp cấp hay không thì ngoài xét nghiệm lâm sàng như lắng nghe tim, kiểm tra da và khớp, bác sĩ có thể làm thêm một số xét nghiệm như: xét nghiệm máu để xem có nhiễm liên cầu khuẩn tái phát hay không (ví dụ như xét nghiệm ASO); xét nghiệm công thức máu (CBC); đo điện tâm đồ (EKG) và đo tốc độ máu lắng (ESR).

Hầu hết những trẻ mắc bệnh này có thể được điều trị tại nhà, tuy nhiên cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra tình trạng tim thường xuyên.

can-trong-voi-benh-thap-khop-cap-o-tre-em-hinh-anh2

Ba mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe thường xuyên.

Để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu và giảm thiểu các biến chứng, bác sĩ có thể kê cho trẻ một số loại thuốc như:

  • Aspirin chống viêm: Thông thường Aspirin không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ dưới 16 tuổi vì có thể dẫn đến nguy cơ mắc phải hội chứng Reye – một hội chứng có khả năng gây tổn thương gan và não. Tuy nhiên, nếu trẻ bị thấp khớp cấp thì có thể sử dụng Aspirin liều thấp từ 1-2 tuần giúp làm giảm các triệu chứng. Nếu kết quả điện tâm đồ (ECG) cho thấy trẻ bị viêm tim thì bác sĩ có thể kê cho trẻ thuốc chống viêm Corticosteroid như Prednisolone.
  • Đôi khi, trẻ có thể sẽ được kê thêm một số loại thuốc kháng sinh liều thấp như Penicillin, Sulfadiazine hoặc Erythromycin trong thời gian dài để tránh tình trạng viêm họng tái phát.
  • Nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng của chứng múa giật (Sydenham chorea) như cảm xúc không ổn định, yếu cơ, vận động nhanh, thiếu sự phối hợp khi chuyển động đặc biệt là vùng mặt, chân và tay, cha mẹ hãy di chuyển trẻ đến một chỗ yên tĩnh (một phòng ngủ tối chẳng hạn), điều này có thể làm giảm các triệu chứng của trẻ. Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê cho trẻ carbamazepine (Tegretol) và Valproic acid (Valproat 200mg).

Để giảm thiểu nguy cơ bị thấp khớp cấp ở trẻ em, khi trẻ bị viêm họng hoặc tinh hồng nhiệt, bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Rheumatic fever. Đọc thêm tại: <http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003940.htm>. [Ngày 09 tháng 04 năm 2015].
  2. Rheumatic fever. Đọc thêm tại: <http://www.nhs.uk/Conditions/Rheumatic-fever/Pages/Introduction.aspx>. [Ngày 09 tháng 04 năm 2015].
  3. Understanding Rheumatic Fever-the basics. Đọc thêm tại: <http://www.webmd.com/a-to-z-guides/understanding-rheumatic-fever-basics>. [Ngày 09 tháng 04 năm 2015].
  4. Preventing rheumatic heart disease. Đọc thêm tại: <http://www.rhdaustralia.org.au/families-community/preventing-rheumatic-heart-disease>. [Ngày 04 tháng 09 năm 2015].
  5. Rheumatic fever. Đọc thêm tại: <http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/rheumatic-fever/basics/prevention/con-20031399>. [Ngày 04 tháng 09 năm 2015].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com