Kỹ năng sống

Làm mẹ đơn thân đâu dễ chút nào

Làm mẹ đơn thân nuôi con trai như thế nào đây, khi đó không phải là việc dễ dàng? Thay vì có 2 người cùng nhau chăm sóc bé, giờ chỉ còn lại một mình người mẹ. Và cuộc sống cứ thế gắn chặt cùng con.

Ai đã từng làm mẹ đơn thân mới hiểu những nỗi niềm cơ cực.

“Nhìn con trai của mẹ đang ngủ say sau một cữ ăn no nê mà nước mắt mẹ cứ chảy, lã chã, lã chã.
Mẹ xin lỗi con, mẹ ngàn lần xin lỗi con vì ngày hôm nay mẹ mắng con vô lý hoài. Có nhiều lúc con khóc vì đói, khóc vì ướt cũng như những đứa trẻ khác ở tuổi con mà sao mẹ không thể hiểu con hơn. Con có làm gì đâu, bé yêu của mẹ, mà mẹ lại cứ thấy ức chế trong người rồi quay sang mắng con như vậy.

Nhiều lúc mẹ bế trên tay mà con cứ khóc ngằn ngặt, nhà chỉ hai mẹ con, dỗ mãi con không được là mẹ khóc, con khóc. Nhà mình có hai người mà nhiều lúc tiếng mẹ quát con, tiếng con khóc cứ vang cả một ngõ phố…

Hình như con cũng biết là bị mẹ mắng nên con khóc hờn rất lâu mà mẹ thấy ân hận quá đi. Thời gian trôi qua nhanh quá, quá nhiều chuyện đã xảy ra. Có lúc mẹ muốn nằm xuống, và ngủ luôn không tỉnh dậy nữa. Nhưng nhìn sang con đang ngủ ngon, và con cần mẹ biết bao nhiêu, mẹ lại nắm tay con mà hôn, mà tự nhủ với mình sẽ đi tiếp, để nuôi con khôn lớn thành người.

Lam me don than dau de chut nao hinh anh1

Mẹ đơn thân nuôi con trai không dễ chút nào

Con lớn thật nhanh nha con, lớn để còn bảo vệ mẹ nữa chứ, bé con… và mẹ lại thiếp đi như bao đêm khác…”

Nào có ai nói làm mẹ đơn thân là dễ dàng, thay vì có 2 người chăm bé, giờ chỉ còn lại 1 người vừa là cha, vừa là mẹ. Thay vì có những kì nghỉ cùng cơ quan khi bố chăm bé, cuộc sống của mình cứ từ từ gắn chặt vào con.

Tuy vậy, phần thưởng của các mẹ đơn thân như mình là tình cảm khăng khít của mẹ và con làm cho mình phần nào vơi đi sự vất vả thường ngày. Từ khi phải làm mẹ đơn thân, mình mới khám phá ra sức mạnh phi thường của bản thân mình chưa hề hay biết trước đó. Và còn gì nữa, thỉnh thoảng thấy mình cũng thông thái ghê ấy chứ khi phải tự mầy mò mọi thứ một mình.

Làm mẹ đơn thân, mình có khá nhiều thử thách và cạm bẫy dễ gặp phải và cũng đang dần dần khắc phục:

  • Mình khó xác định những giới hạn cho con. Nhiều khi hứa với lòng là phải nghiêm khắc với con, nhưng nhìn con, tội con, thấy con mất mát và thiếu thốn tình cảm hơn nhưng bé khác là mình lại như thấy mình có lỗi với con và muốn bù đắp cho con thêm nữa. Chính vì vậy, mình để con mình quá tự do và đòi hỏi bất cứ thứ gì bé muốn.

Điều này thực ra là không nên chút nào. Mình cũng đang phải chỉnh lại dần dần để không phải lúc nào sự tập trung chính cũng là con mình, quan tâm tới bé thái quá cứ như bé là một chàng hoàng tử bé vậy. Bé cũng cần có sở thích riêng của bé và dành thời gian cho bé như chơi trò bé thích, làm bài tập, hoặc giúp mẹ làm việc nhà nữa. Và tất nhiên là sau khi bé xong những việc đó thì mẹ và con vẫn có thể nói chuyện, chơi cùng nhau.

  • Mình quên mất con là một đứa trẻ nên mình muốn chia sẻ với con mọi thứ, kể cả những cảm xúc thầm kín nhất. Nhiều khi mình thích mê việc ngủ với con, ôm con vào lòng mà hôn hít không phải vì con sợ hay cô đơn, mà để lấp đi khoảng trống cô đơn trong lòng mình nhiều hơn.

Lam me don than dau de chut nao hinh anh 2

Làm mẹ đơn thân cũng khổ tâm lắm

Thực ra, con có thể giúp mình nhiều việc trong nhà hay hỗ trợ về mặt tinh thần và cảm xúc với mẹ khi đang stress, nhưng con mình vẫn là đứa trẻ chứ không phải người lớn để có thể hiểu hết những gì mẹ nói.

Con cũng có thể bị ảnh hưởng tâm lý không tốt khi con lớn lên. Làm sao con có thể hiểu việc mình bị phụ bạc ra sao khi mang bầu con được? Tại sao mình lại cứ chia sẻ với con những việc người lớn như thế? Mình sẽ cố gắng cất nỗi đau của riêng mình vào đáy lòng, cố gắng, cố gắng, cố gắng!

  • Tuy mình hiểu là tinh thần của mẹ là nhân tố quan trọng nhất cho sự phát triển của bé, nhưng thỉnh thoảng mình vẫn có cảm giác buồn, cô đơn, và tinh thần đi xuống. Thỉnh thoảng thôi nha, điều này cũng là bình thường mà.

Bà ngoại bé thường nhắc mình: “Con không phải thánh, cũng chỉ là con người thôi, có vui, có buồn là bình thường. Con nên ra ngoài chơi với bạn bè của mình, tập trung công việc và các hoạt động giải trí khác chứ không nên ru rú mãi ở nhà với thằng bé như thế”.

Cứ đợt nào mẹ vào thăm đều nhắc nhở mình như vậy, và tình nguyện trông cháu cho mình những lúc ấy. Dần dần, mình cũng chịu khó đi ra ngoài hơn, nhiều hôm vác cả bé đi ngủ ké nhà mấy đứa bạn thân hồi cấp 3 và bản thân mình thực sự thấy vui vẻ hơn và bé cũng hớn hở ra mặt khi mẹ vui như thế. Tất nhiên, những lần đi chơi có làm thời gian biểu của bé lệch đi một chút, nhưng có làm sao đâu chứ!

  • Vì bé không có bố ở bên, nên bất cứ khi nào có ông ngoại, cậu hay mấy anh đồng nghiệp vui vẻ lại nhà chơi, mình đều cho bé chơi cùng. Lúc con còn nhỏ dưới 2 tuổi, mình vẫn hay nói về bố của bé. Bố đang đi công tác nè, bố cao ra sao, nói giọng ồm ồm thế nào… mặc dù mình vẫn chưa thể quên con người phụ bạc đó đã đối xử với mình thế nào.

Từ lúc con bắt đầu 3 tuổi, bất kỳ cơ hội nào có được cho con chơi với ông, cậu, các chú và các anh lớn, mình đều cố gắng tận dụng hết. Từ lúc bé lên 3, bé bắt đầu xây dựng hình mẫu lý tưởng về bố của bé, mặc dù bé chưa gặp bố lần nào.

Rất buồn cười là hình mẫu của bé khá giống với ông ngoại, người chơi cùng bé nhiều nhất và bé yêu nhất. Nhờ được chơi với những người đàn ông như vậy, mình hy vọng có thể bù đắp phần nào sự thiếu thốn tình thương của bố bé.

Khá nhiều người hàng xóm cũng dị nghị nọ kia khi các đồng nghiệp nam của mình đến nhà chơi, nhưng biết sao giờ, bé cần tiếp xúc với đàn ông hàng ngày để bé phát triển tính cách nam nữa. Vậy nên làm mẹ đơn thân như mình cũng khổ tâm lắm, mình phải dẹp hết những xì xào từ bên ngoài và làm tất cả vì sự phát triển bình thường của con.

Lam me don than dau de chut nao hinh anh 3

Bé cần tiếp xúc với đàn ông để phát triển tính cách nam tính nữa
  • Thay vì cho bé làm quen với sở thích của mẹ, mình vẫn có sở thích của mình và để con tự phát triển sở thích của bé. Các buổi mời các bé trai cùng khu tập thể đi ăn kem, đi chơi ngoài công viên của mẹ con mình lúc nào cũng được các ông bố bà mẹ trong khu rất ủng hộ luôn. Và tất nhiên, bé đã dần dần chia sẻ cho mẹ biết sở thích của mình thông qua các buổi đi chơi đó đấy.


  • nghethuatamnhacsaigon.com

Spock, B, Needlman, R, 2012, Baby and Childcare, 9th edn, Bookwell, Finland.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com