Giáo dục giới tính

Giáo dục giới tính cho trẻ bằng cách nào?

Giáo dục giới tính cho trẻ là một trong những trách nhiệm nuôi dạy con cái rất quan trọng. Giáo dục giới tính cho con bằng cách nào nhỉ? Hãy cùng mekhonghoanhao tìm hiểu cách giáo dục vấn đề “tế nhị” này như thế nào để tốt nhất cho con các mẹ nhé!

Đừng quá nặng nề hoặc quan trọng hóa chuyện giáo dục giới tính cho trẻ, vì có rất nhiều cách đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao mà cha mẹ có thể áp dụng trong việc nuôi dạy con mình đấy. Ví dụ như cha mẹ có thể lồng ghép chủ đề giới tính, tình dục vào các câu chuyện hàng ngày với trẻ, giáo dục sớm trước khi trẻ có hành vi tình dục hoặc giáo dục đúng mục đích và phù hợp với độ tuổi của con mình. Đặc biệt, cha mẹ phải có thái độ cởi mở, thoải mái khi nói chuyện, thảo luận với con (vì nếu chính cha mẹ còn ngại ngần, xấu hổ thì làm sao trẻ có thể thoải mái nói ra suy nghĩ của mình), đồng thời, để làm một thầy giáo tốt và có chuyên môn cao, cha mẹ hãy tìm hiểu kĩ các kiến thức trước khi dạy con nhé.

Lồng ghép giáo dục giới tính vào các cuộc trò chuyện: Trong mỗi cuộc trò chuyện, cha mẹ có thể lồng ghép hoặc bàn các vấn đề này với trẻ theo quan điểm cá nhân của bạn, thảo luận về những nỗi sợ hãi và lo lắng của trẻ để giúp trẻ tiếp cận với những kiến thức về tình dục một cách tự nhiên và dễ dàng hơn.

Giáo dục giới tính cho trẻ bằng cách nào

Lồng ghép việc giáo dục giới tính cho trẻ vào cuộc trò chuyện

Hãy trở thành hình mẫu cho trẻ: trẻ 5 -12 tuổi không chỉ tìm hiểu về vấn đề tình dục thông qua những gì cha mẹ nói mà có thể tìm hiểu từ hành vi của cha mẹ nữa. Đa số các kiến thức giới tính trẻ có được là do quan sát hành vi và sự tương tác của những người mà trẻ yêu thương. Do đó, cha mẹ hãy cố gắng trở thành một hình mẫu chuẩn mực nhé, vì có thể trẻ sẽ bắt chước theo cách cư xử của cha mẹ đấy.

Quan tâm về tình dục không đồng nghĩa với quan hệ tình dục: Đối với các bé 5-12 tuổi, việc quan tâm về vấn đề tình dục không đồng nghĩa với hoạt động tình dục như một số cha mẹ vẫn nghĩ đâu. Khi đặt ra những câu hỏi về vấn đề tình dục, trẻ thường không quan tâm đến chuyện quan hệ tình dục, nhưng trẻ có thể bị lôi cuốn với chủ đề này bởi vì trẻ cảm thấy rằng nó là điều bí mật hoặc riêng tư. Do đó, nếu con có những câu hỏi về tình dục, hãy thoải mái giải thích để trẻ hiểu đúng chứ đừng gạt phắt đi các mẹ nhé!

Giáo dục giới tính cho trẻ có mục đích và phù hợp độ tuổi: Các bé gái thường có thể bước sang tuổi dậy thì khi trẻ từ 10 tuổi và các bé trai thì muộn hơn một chút. Các thay đổi về thể chất mà trẻ đang trải qua hoặc chứng kiến những thay đổi của bạn bè sẽ khiến trẻ thắc mắc và có rất nhiều câu hỏi cần được giải đáp. Khi đó cha mẹ nên trả lời trực tiếp cho trẻ, giáo dục giới tính cho trẻ đúng đắn xung quanh các chủ đề như vai trò tình dục, định hướng tình dục, các mối quan hệ bền vững trong tương lai, những khía cạnh về thể chất, nhưng không nên tập trung thảo luận về những hành động tình dục.

Cha mẹ chỉ nên bàn luận về những vấn đề giới tính, tình dục phù hợp với độ tuổi của trẻ. Chẳng hạn, nếu trẻ 5 tuổi hỏi “Mẹ ơi, sinh nghĩa là gì vậy mẹ?” thì cha mẹ có thể trả lời “Sinh nghĩa là khi một đứa bé được đưa ra khỏi cơ thể của người mẹ”, nhưng nếu bé 10 tuổi hỏi như vậy, cha mẹ có thể bổ sung thêm kiến thức cho trẻ bằng cách nói rõ ràng cụ thể hơn như: “Thai nhi sẽ phát triển 9 tháng trong tử cung của người mẹ, sau đó em bé sẽ theo đường âm đạo người mẹ đi ra ngoài”. Cung cấp cho trẻ những thông tin phù hợp với độ tuổi (chẳng hạn, những biểu hiện của giai đoạn sắp dậy thì) để trẻ hiểu rằng giới tính là một phần tự nhiên trong sự phát triển con người, tình cảm. Điều này sẽ giúp cha mẹ dễ dàng bàn luận về những khía cạnh phức tạp trong quan hệ tình dục hơn khi trẻ lớn hơn.

Giáo dục giới tính trước khi trẻ có hành vi tình dục: Tốt nhất cha mẹ nên trò chuyện về các vấn đề tình dục với trẻ từ khi còn nhỏ, thoải mái thảo luận về vấn đề này càng sớm càng tốt nhằm đặt cho trẻ một nền tảng giáo dục vững chắc và thiết lập một cuộc trò chuyện cởi mở, dễ dàng trước tuổi dậy thì. Nếu cha mẹ chờ đến khi trẻ đến tuổi dậy thì hay vị thành niên mới thảo luận về vấn đề quan trọng này thì cuộc thảo luận giữa cha mẹ và con cái sẽ khó khăn hơn nhiều.

Tìm hiểu kiến thức trước khi giáo dục trẻ: Nhiều cha mẹ cho đến khi trưởng thành cũng không hoặc ít được giáo dục giới tính một cách rõ ràng mà thường tự tìm hiểu các vấn đề giới tính từ những bộ phim, bạn bè, do đó những thông tin này có thể bị lệch lạc, không chính xác. Cũng vì thế cha mẹ có thể không chắc chắn những đặc điểm của trẻ trong sự phát triển ở các giai đoạn khác nhau liệu có hợp lý và bình thường không. Bên cạnh đó, một số cha mẹ mặc dù đã được giáo dục về vấn đề giới tính nhưng không đủ tự tin, lo sợ bản thân không giải đáp được những câu hỏi của trẻ. Nếu tình trạng này xảy ra, cha mẹ nên tìm hiểu thêm những thông tin đúng đắn và chỉ nên thảo luận với trẻ sau khi cha mẹ đã nắm rõ các vấn đề nhé.

Giáo dục giới tính cho trẻ bằng cách nào hình ảnh 2

Tìm hiểu những thông tin đúng đắn về vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ

Cha mẹ có thể tìm hiểu, học hỏi những thông tin về vấn đề giới tính từ những nguồn đáng tin cậy như sách vở, bác sĩ nhi khoa hoặc các khóa học về giáo dục giới tính trẻ em trong cộng đồng (nhà trường, các trung tâm đào tạo,…), và sau đó truyền đạt cho trẻ những thông tin chính xác, hoặc cha mẹ cũng có thể chia sẻ những cuốn sách hay về vấn đề này cho trẻ tham khảo.

Cởi mở, thoải mái và khuyến khích trẻ trò chuyện về chủ đề này: Những thông tin mà cha mẹ truyền đạt cho trẻ chủ yếu dựa trên những câu hỏi mà trẻ thắc mắc. Tuy nhiên một số trẻ em không dám trực tiếp hỏi cha mẹ để có được thông tin chính xác (đặc biệt đối với những trẻ nghĩ rằng cha mẹ sẽ cảm thấy không thoải mái khi thảo luận về chủ đề này). Do vậy, cha mẹ cần chủ động gợi chuyện, cởi mở, thoải mái và khuyến khích trẻ nói lên những thắc mắc cũng như quan điểm của mình.

Giải thích ngắn gọn, dễ hiểu và không lan man: Như một quy tắc chung, khi trẻ đặt câu hỏi, cha mẹ cần đưa ra những lời giải thích rõ ràng, ngắn gọn, đơn giản và không nên trả lời quá nhiều thông tin so với yêu cầu của trẻ. Đồng thời, cha mẹ cần quan sát phản ứng của trẻ với câu trả lời của mình, chẳng hạn như “Câu trả lời của mẹ có giải thích được thắc mắc của con không?”. Vài ngày sau, cha mẹ cũng có thể hỏi trẻ: “Con có bất cứ điều gì thắc mắc mà chưa giải quyết được liên quan đến cuộc thảo luận lần trước không?”

Nhờ đến sự hỗ trợ của người khác: Để tạo sự tự tin cho bản thân, cha mẹ có thể thử nói chuyện về vấn đề này với một người lớn khác (đó có thể một người bạn đáng tin cậy của cha mẹ). Điều này sẽ tạo cho bạn một cơ hội để suy nghĩ về những câu hỏi mà trẻ có thể thắc mắc và giúp bạn có được câu trả lời rõ ràng hơn đấy. Ngoài ra, cha mẹ hãy tìm hiểu xem trẻ đã được học ở trường những kiến thức gì về vấn đề tình dục và bổ sung thêm những kiến thức mới dựa trên nền tảng đó nhé.

Nếu cha mẹ đang gặp khó khăn trong việc giáo dục giới tính cho trẻ, cha mẹ cũng có thể nhờ một người lớn khác cùng hỗ trợ trong việc giáo dục trẻ. Người đó có thể là người thân hoặc một bác sĩ nhi khoa. Tuy nhiên, trong những trường hợp như thế này, cha mẹ nên cố gắng nỗ lực để truyền đạt những hiểu biết của mình về vấn đề giới tính cho trẻ, vì không ai có thể dạy bảo trẻ về giới tính tốt hơn chính cha mẹ của mình đâu.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Edward L. Schor, MD, FAAP,  2004, Caring for Your School-Age Child Ages 5 to 12, 3th edn, American Academy of Pediatrics, USA. [Ngày 7, tháng 1, năm 2015].
  2. Talking to kids about sex and sexuality. Đọc thêm tại: <http://www.plannedparenthood.org/parents/talking-to-kids-about-sex-and-sexuality>. [Ngày 6 tháng 1 năm 2015].
  3. Talking to kids about sex and sexuality (ages 9-12). Đọc thêm tại: <https://www.peelregion.ca/health/sexuality/pdf/info-parents-talk-child-sexuality.pdf >. [Ngày 6 tháng 1 năm 2015].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com